Chính trị

“Ăn cơm nhà vác tù và” trong thời đại số

Nguyên Hoa 29/07/2024 09:11

“Đi” qua “cơn bão” mang tên “đại dịch Covid-19”, cán bộ Mặt trận ở khu dân cư - những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” trên địa bàn Thủ đô lại tiếp tục công việc tưởng như bất tận mỗi ngày.

Đó là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh đồng thuận trong nhân dân Thủ đô để triển khai những việc mới, việc khó, tham gia giải quyết những chuyện “nhỏ nhưng không nhỏ” cho mỗi gia đình trong ấm ngoài êm, ngõ xóm khang trang sạch sẽ...

Và cuộc cách mạng số trong giai đoạn hiện nay một lần nữa đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải bắt kịp với nhịp sống thời đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những người “vác tù và hàng tổng” đã và đang làm gì để công cuộc chuyển đổi số đến với mọi nhà? Họ cần có những gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tiến trình phát triển mới của Thủ đô và đất nước?... Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài: “Ăn cơm nhà vác tù và” trong thời đại số.

Bài 1. Những chiếc “ăng ten” vạn năng

“Trận” nào cũng có mặt là cách mà nhiều người thường nói về cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Không chỉ góp sức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những người “vác tù và hàng tổng” thật sự là chiếc “ăng ten” vạn năng trong việc nắm bắt thông tin ở địa bàn dân cưbằng tâm huyết, trách nhiệm, đã tham gia giám sát, phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong các dự án xây dựng... Thời đại số, những cán bộ Mặt trận đang từng bước bắt nhịp với phương thức hoạt động mới, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn phát triển .

Từ chuyện tranh chấp lối đi, di dời phần mộ…

Hơn 20 năm gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng”, ông Phùng Huy Đan, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 5, phường Trung Phụng (quận Đống Đa) “nằm lòng” từng nhà dân, hiểu rõ từng hoàn cảnh. Ông đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương vận động 20 hộ dân chấp hành giải tỏa để thực hiện dự án cải tạo hồ Ba Mẫu mà không phải cưỡng chế.

“Có gia đình cố tình không chấp hành nhưng khi được chúng tôi vận động, thuyết phục, họ đã đồng thuận dời đi vào ngày cuối”.

Ông Phùng Huy Đan chia sẻ

Hay khi xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng trên địa bàn, đơn vị thi công đã làm hỏng đường cống của người dân khiến nước tràn vào nhà, bà con gửi đơn lên phường. Được địa phương giao nhiệm vụ, ông cùng các đoàn thể lại đến tuyên truyền, vận động hòa giải, không để xảy ra tình trạng tranh cãi giữa người dân và chủ đầu tư. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Trung Phụng Phùng Huy Đan còn "mát tay" khi hòa giải thành công gần 30 vụ tranh chấp lối đi trong ngõ, đất đai nhà cửa; riêng năm 2023, hòa giải thành công 2 vụ việc khiếu kiện kéo dài.

Cái khó của công tác Mặt trận là chưa có chế tài hoạt động, lại càng không thể áp đặt mà chỉ tuyên truyền, vận động, thuyết phục để đi đến đồng thuận cùng hành động nên cán bộ Mặt trận phải gần dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực sự là chiếc "ăng ten" vạn năng.

Ông Phùng Huy Đan giới thiệu tủ sách tuyên truyền pháp luật tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Phương Đoàn

Thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua xã Văn Khê, khi nhận được thông tin phải di dời, tái định cư ở nơi khác, nhiều hộ dân rất tâm tư. Suốt thời gian dài, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê (huyện Mê Linh) Nguyễn Văn Thanh hầu như không có mặt ở nhà. Ông tranh thủ mọi thời gian có thể để gặp gỡ bà con, nhất là đảng viên, người cao tuổi, người có uy tín ở chi bộ, khu dân cư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mọi người.

Với sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền và sự nhiệt thành của cán bộ Mặt trận, cũng như việc xây dựng khu tái định cư bảo đảm đồng bộ, hiện đại, “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” đã tạo cơ sở vững chắc để người dân đồng thuận di dời 14 ngôi mộ về nghĩa trang đúng thời gian; 163 hộ đã nhận tiền hỗ trợ bồi thường 6,01ha đất nông nghiệp; 3,93 ha đất của 198 hộ đã được kê khai kiểm đếm tài sản, cây cối hoa màu…

638183787481254711-z4239235420313_4aacce206f4a191dbae40b7cec404147.jpg
Cán bộ Mặt trận, đoàn viên, thanh niên và nhân dân phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) vệ sinh ngõ phố. Ảnh Hiền Phương.

Tại thôn Du Nội, xã Mai Lâm (huyện Đông Anh), các hủ tục lạc hậu trong đám tang được xóa bỏ, không làm cỗ mời khách, tỷ lệ hỏa táng đạt 100%, nghĩa trang của thôn được quy hoạch lại…

“Trước đây, khi người thân vừa qua đời, gia đình đã chuẩn bị làm cỗ. Khi đưa tang vẫn lăn đường, khóc mướn, rắc vàng mã... Đặc biệt, nhắc đến “hỏa táng” trước mặt người cao tuổi còn là điều cấm kỵ”, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Du Nội Nguyễn Đức Hiệp cho biết.

Để thay đổi nếp nghĩ của người dân, Ban Công tác mặt trận thôn đã phân công thành viên đến từng nhà vận động rồi đưa những nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang vào quy ước của làng, vào hội nghị đại biểu nhân dân, vào chương trình Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Cán bộ, đảng viên và thành viên Ban Công tác mặt trận gương mẫu đi đầu để nhiều người dân noi theo.

… đến giám sát, phát hiện, ngăn chặn sai phạm

Hà Nội đang triển khai hàng loạt công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương, nhằm phát huy tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được “phủ kín” xã, phường, thị trấn đã tích cực vào cuộc, góp phần ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Trưởng ban Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây) Phạm Đình Chiến cho biết, trong quá trình thực hiện giám sát công trình xây dựng nhà văn hóa của tổ dân phố, các thành viên đã phát hiện sai phạm của đơn vị thi công. Ban Thanh tra nhân dân đã lập biên bản và đề nghị cơ quan chức năng đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ 6 trụ bê tông không bảo đảm chất lượng. Trước đó, khi địa phương thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và đường đi nhánh ngõ 24 phố chùa Thông thuộc tổ dân phố 2, Ban Thanh tra nhân dân của phường phải làm công tác tư tưởng với những người ngăn cản và đe dọa lực lượng thi công, không cho làm đúng thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dự án cải tạo hồ Tứ Liên, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) 13 năm qua vẫn dang dở khiến gần 300 hộ dân sống trong ô nhiễm. Từ tháng 8-2022 đến nay, khi dự án được khởi công lại, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Tứ Liên đã phối hợp với các cơ quan liên quan vận động, thuyết phục các hộ dân có đất, có nhà nằm trong chỉ giới dự án phải thu hồi nghiêm túc thực hiện.

Quá trình làm nhiệm vụ, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nhận định, cần phân nhóm để có kế hoạch vận động và đã xác định 15 hộ đưa vào diện “đặc biệt” và 7 trường hợp phải kiến nghị cấp trên điều chỉnh chỉ giới cho phù hợp với thực tế. “Hiện nay, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vẫn ngày đêm bám công trình để theo dõi sát sao việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công làm đường dạo quanh hồ”, Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Tứ Liên Phan Hữu Quế cho biết.

Là cán bộ trẻ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Bá Phước không chỉ góp sức đưa công tác Mặt trận của địa phương đạt nhiều thành tích, mà còn được mệnh danh là “cây sáng kiến” của xã trong áp dụng chuyển đổi số. Khi xã Thanh Bình triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số, anh Nguyễn Bá Phước luôn đồng hành với Bộ phận “một cửa” và Công an xã hướng dẫn hàng trăm người dân trong thôn cài đặt ứng dụng VNeID và hỗ trợ tạo tài khoản, đăng ký dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.

Quá trình làm việc, anh đã tìm tìm tòi và thành công với sáng kiến “Dịch vụ công trực tuyến, vì nhân dân phục vụ” vào năm 2022. “Ứng dụng sáng kiến này có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày tại gia đình, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính, giảm thiểu việc đi lại, tiết kiệm được thời gian, chi phí, tạo tâm lý tốt cho công dân khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Bình Nguyễn Bá Phước chia sẻ.

Với đủ loại công việc, những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy đã góp phần lan tỏa tinh thần đại đoàn kết, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đạt được kết quả cao.

Mặt trận các cấp thành phố Hà Nội đã tổ chức 4.428 đoàn giám sát, phối hợp tham gia 6.920 đoàn giám sát. Ban Thanh tra nhân dân thực hiện giám sát 17.652 vụ việc, phát hiện 2.414 vụ có dấu hiệu vi phạm; kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 2.322 vụ việc, được xem xét giải quyết 2.234 vụ việc. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tham gia giám sát 11.103 công trình, dự án; phát hiện 680 vụ vi phạm; kiến nghị cơ quan chức năng xử lý 680 vụ.

(Còn nữa)