Môi trường

Quận Hoàn Kiếm thực hiện phân loại rác tại nguồn: Những tín hiệu tích cực

Hoàng Sơn 29/07/2024 - 07:56

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, chậm nhất đến ngày 31-12-2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Để đưa luật đi vào cuộc sống, UBND quận Hoàn Kiếm đang tích cực triển khai thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 18 phường. Đến nay, sau gần 1 tháng thực hiện, việc thí điểm đã mang lại nhiều kết quả khả quan: Người dân tích cực tham gia, hạn chế vứt rác thải ra môi trường, bộ mặt đô thị khang trang, sạch, đẹp hơn…

rac-thai.jpg
Quận Hoàn Kiếm đồng loạt triển khai phân loại rác thải tại nguồn ở 18/18 phường. Ảnh: Hoàng Hiệp

Triển khai bài bản, sâu rộng

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về hoàn thiện Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Phương án số 981/PA-UBND ngày 30-5-2024 thí điểm mô hình “Quản lý, phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2024”. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Minh Phương, triển khai phương án này, quận đã chỉ đạo UBND 18 phường tổ chức phát thanh hằng ngày về mục đích, ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm và UBND các phường tổ chức 40 hội nghị tuyên truyền, phát 38.000 tờ rơi, xây dựng video clip hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn phát trên nhóm Zalo của 132 tổ dân phố. Đồng thời, UBND quận chỉ đạo UBND các phường tổ chức ký cam kết tới từng gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn; bố trí cán bộ kiểm tra, hướng dẫn việc phân loại rác tại các điểm thu gom.

Triển khai thực tế tại các phường từ ngày 1-7 đến nay cho thấy, rác thải được phân thành 4 loại, gồm: Rác tái chế, rác thải cồng kềnh, rác thải nguy hại và các loại rác thải còn lại.

Ghi nhận ở các điểm thu gom rác thải tại các phường: Phan Chu Trinh, Hàng Trống, Cửa Nam, Cửa Đông, Hàng Mã..., phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy khi người dân mang rác ra điểm tập kết đã được cán bộ tổ dân phố hướng dẫn cụ thể cách phân loại. Tại điểm phân loại rác thải tại số 27 phố Lê Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh), bà Nguyễn Thị Xuân Thắng (ở tổ dân phố số 3 phường Phan Chu Trinh) chia sẻ: "Trước đây, tôi và gia đình thường bỏ các loại rác vào chung một túi. Nay được hướng dẫn, phân tích ích lợi của việc phân loại rác tại nguồn, gia đình tôi và các hộ dân trong tổ dân phố đều tích cực thực hiện".

Còn bà Dương Thị Toán ở phường Đồng Xuân chia sẻ, đợt triển khai này quận làm bài bản và có sự hỗ trợ tích cực của công nhân môi trường nên được nhân dân ủng hộ, tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn.

Để khuyến khích người dân hưởng ứng thực hiện, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm còn bố trí 15 điểm thu gom miễn phí rác thải cồng kềnh, 5 điểm đổi rác thải tái chế lấy quà và đặt 25 thùng chuyên dụng thu gom rác thải nguy hại trên địa bàn 18 phường. Trong những ngày đầu triển khai phương án, lãnh đạo UBND quận tổ chức kiểm tra việc phân loại, thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sẽ thực hiện đồng loạt

Chị Nguyễn Thị Huệ - công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm đánh giá, sau gần một tháng quận Hoàn Kiếm triển khai phân loại rác thải, nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên; hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm, từ ngày 1-7 đến nay, công nhân công ty đã tổ chức thu gom, vận chuyển được 64 tấn rác thải tái chế; thu gom 7kg rác thải nguy hại (chủ yếu là pin tiểu); thu gom 3,3 tấn rác cồng kềnh; thu gom, vận chuyển gần 3.350 tấn rác còn lại (trung bình là 186,1 tấn/ngày), giảm 12% so với tháng 6-2024.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho biết, cùng với tuyên truyền, vận động, tuyên dương người dân thực hiện phân loại, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, UBND quận còn chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở và phát hiện, xử phạt 17 trường hợp vứt rác thải ra môi trường với số tiền 27 triệu đồng.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng thông tin thêm, để duy trì hiệu quả việc thực hiện Phương án số 981/PA-UBND, từ nay đến cuối năm 2024, UBND quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tăng cường công tác kiểm tra việc phân loại và thu gom, vận chuyển rác thải; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận thực hiện Chương trình “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” trong năm học 2024-2025, hướng dẫn học sinh phân loại rác tại lớp học, trường học và khi về nhà, để các em trở thành “đại sứ” tuyên truyền cho người thân trong gia đình thực hiện.

“Sau phương án thí điểm, quận Hoàn Kiếm kỳ vọng năm nay và những năm tiếp theo sẽ thực hiện đồng loạt việc phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn; tiến tới 100% số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại rác thải đúng quy định", Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư cho hay.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nêu rõ, từ ngày 1-1-2025, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại rác thải tại nguồn bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng.