Hỗ trợ người khiếm thị sinh kế hòa nhập cộng đồng
Thông qua việc tổ chức các lớp dạy nghề, bán hàng trực tuyến…, kết hợp cùng việc vận động các nguồn lực tài trợ, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã, đang giúp các hội viên có việc làm, thu nhập ổn định. Những hỗ trợ kịp thời này đã tạo sinh kế để người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng.
Thiết thực trong các hình thức hỗ trợ
Đào tạo nghề cho người khiếm thị mang nhiều ý nghĩa bởi tính nhân văn. Riêng năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù thành phố đã triển khai đào tạo 8 lớp dạy nghề cho 113 học viên. Trong đó, nghề vật lý trị liệu, phục hồi sức khỏe do Y sĩ y học cổ truyền Nguyễn Thị Ly (sinh năm 1984, nhà ở huyện Thạch Thất) phụ trách có 5 lớp với 79 học viên.
Y sĩ y học cổ truyền Nguyễn Thị Ly đã gắn bó với công việc này tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Người mù thành phố Hà Nội suốt 10 năm qua, tham gia giảng dạy các khóa dài ngày, những lớp kỹ năng ngắn ngày hoặc khóa học bổ sung. Cô giáo Nguyễn Thị Ly chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người mù làm nghề vật lý trị liệu, phục hồi sức khỏe dù lâu năm nhưng là chỉ học truyền tay, truyền miệng, không cập nhật kiến thức mới. Họ cần được bổ sung kiến thức về lý thuyết, bệnh lý cơ bản của các chứng đau thường gặp khi hành nghề. Vì vậy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đặc biệt chú trọng tổ chức các lớp nâng cao, bổ sung kỹ năng mềm như giao tiếp, chăm sóc khách hàng... Hầu hết học viên đều học tập rất tích cực và phản hồi tốt về quá trình áp dụng các kỹ thuật được học khi chăm sóc sức khỏe cho khách. Số lượng học viên đăng ký cho mỗi khóa học ngày càng tăng là niềm vui không thể diễn tả bằng lời”.
Cũng là tấm gương sáng trong hoạt động hỗ trợ người khiếm thị, chị Lê Thị Chinh (sinh năm 1987, nhà ở huyện Thanh Oai), hiện là cán bộ của Hội Người mù thành phố Hà Nội, ghi dấu ấn trong việc tích cực vận động xã hội hóa đóng góp vào việc chăm lo cho hội viên. Chị Lê Thị Chinh thường xuyên tìm kiếm, kết nối các nguồn lực để có nguồn kinh phí, hiện vật trao thưởng cho người khiếm thị nỗ lực vượt khó. Chị Chinh cũng tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ra mắt 1.000 cuốn sách nói dành cho người khiếm thị; tổ chức lớp học tiếng Anh cho người khiếm thị và cán bộ, nhân viên đang công tác tại Hội Người mù thành phố…
Đa dạng hóa nguồn lực
Hội Người mù thành phố Hà Nội được thành lập năm 1970, với chức năng, nhiệm vụ là tập hợp người khiếm thị trên địa bàn để dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm, động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Hiện tại, Hội Người mù thành phố có 334 chi hội với 4.931 hội viên.
Nhằm góp phần giúp đỡ người khiếm thị nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, 5 năm qua, với sự hỗ trợ của UBND thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hội Người mù thành phố đã mở được 62 lớp dạy nghề vật lý trị liệu, tin học, sử dụng điện thoại thông minh, bán hàng trực tuyến... Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, dạy nghề về ứng dụng công nghệ AI; vật lý trị liệu, phục hồi sức khỏe; tin học văn phòng…
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 217 cơ sở dịch vụ vật lý trị liệu, phục hồi sức khỏe do các đơn vị và hội viên tự mở, tạo việc làm cho 1.500 hội viên với tổng doanh thu bình quân mỗi năm là hơn 93 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Với những hội viên cùng gia đình lao động tại nhà như chăn nuôi, trồng trọt, Hội Người mù thành phố hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Trong giai đoạn 2019-2024, Hội Người mù thành phố đã giải ngân vốn vay của 76 dự án cho 239 lượt hội viên, với tổng số tiền hơn 11,4 tỷ đồng... Trong đó 6 tháng đầu năm 2024, Hội cũng đã giải ngân vốn vay cho hàng chục lượt hội viên. Hội cũng tích cực phối hợp với Nhóm “Dấu son tình người” và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hỗ trợ 20 gia đình hội viên khó khăn xây, sửa nhà ở, với tổng giá trị 2,5 tỷ đồng; vận động hỗ trợ, trợ cấp cho hội viên tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch phụ trách Hội Người mù thành phố Hà Nội Hoàng Mạnh Cường cho biết, trong những năm qua, thực hiện tốt vai trò chỗ dựa, là mái nhà chung cho hội viên, là nơi người khiếm thị chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và vươn lên ổn định cuộc sống, cùng với việc phối hợp thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã chủ động khai thác các nguồn lực để hỗ trợ hội viên. Trong đó phải kể đến việc phối hợp triển khai 2 dự án của Quỹ Abilis - Phần Lan với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng, đã giúp nhiều hội viên vươn lên ổn định cuộc sống.
Những việc làm ý nghĩa, kịp thời kể trên đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội Người mù, đồng thời giúp người khiếm thị xóa đi mặc cảm tự ti, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo sinh kế ổn định, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.