Hà Nội tập trung hỗ trợ người dân ứng phó lũ vượt mức lịch sử
Hà Nội tiếp tục mưa lớn, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy lên trở lại, mực nước có thể vượt mức lịch sử. Các địa phương khẩn trương ứng phó, tập trung hỗ trợ người dân vùng ngập lụt.
Lũ các sông tiếp tục lên cao
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, đêm qua và sớm nay (28-7), nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi lớn hơn như: Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) 142,4mm, Bất Bạt (huyện Ba Vì) 87mm, Sơn Tây và Hoài Đức 80mm...
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió lên cao hoạt động mạnh nên từ chiều tối nay đến chiều tối 30-7, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 120mm. Từ đêm 30 đến ngày 31-7, Hà Nội tiếp tục mưa rào rải rác; lượng mưa phổ biến 10-20mm.
Mưa lớn, lũ trên các sông nội địa, như: Bùi, Tích, Đáy lên trở lại. Dự báo, 19h hôm nay, mực nước sông Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ đạt 7,5m (trên mức báo động lũ cấp III là 0,50m). Đến 13h ngày 29-7, mực nước sông Bùi có thể đạt 7,6m, vượt mức lũ lịch sử năm 2018 khoảng 0,07m.
Còn sông Tích, đoạn qua huyện Thạch Thất và Quốc Oai, 19h hôm nay có thể lên 8,33m (trên mức báo động lũ cấp III là 0,33m). Đến 13h ngày mai, mực nước trên sông Tích có thể đạt 8,45m.
Mực nước sông Đáy tiếp tục lên nhưng vẫn ở mức dưới báo động lũ cấp II. Các sông: Hồng, Đà, Đuống xuống chậm, dao động ở mức dưới báo động lũ cấp I.
Cơ quan trên cảnh báo, lũ trên các sông: Tích, Bùi đang ở mức cao tiếp tục gia tăng rủi ro thiên tai, thiệt hại về người và tài sản, nhất là vùng ven sông các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất...
Thực tế ngày 28-7, tại các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì..., vẫn còn hàng nghìn hécta sản xuất nông nghiệp úng ngập. Nhiều khu dân cư ven sông: Tích, Bùi, Đáy ngập sâu.
Tại huyện Chương Mỹ, tính đến 17h ngày 28-7, trên địa bàn còn 24 thôn, xóm thuộc 13 xã, thị trấn bị ngập nhà ở, đường giao thông; trong đó có 1.343 ngôi nhà ở của dân bị ngập từ 0,5 đến 2m, 1.501 hộ dân bị ngập đường đi... Nghiêm trọng nhất là tại các xã: Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Tân Tiến...
Tập trung hỗ trợ người dân, ứng phó lũ lớn
Ngoài vận hành tối đa công trình tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngày 28-7, các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì... tiếp tục huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát, chuẩn bị vật tư, phương tiện bảo vệ các trọng điểm, xung yếu đê điều, thủy lợi; thông báo diễn biến lũ trên sông, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó ngập lụt, bảo đảm an toàn về điện...
Đặc biệt tại Chương Mỹ, dù là ngày nghỉ nhưng 100% quân số làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của huyện và 13 xã, thị trấn bị úng ngập vẫn ứng trực đủ, tập trung triển khai phương án bảo đảm đời sống nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh cho biết, tính đến 17h hôm nay, xã còn 830 hộ dân thuộc các thôn: Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn bị nước lũ sông Bùi cô lập. Để ổn định đời sống người dân vùng úng ngập, xã đã cấp 616 gói cloraminB, thuốc nhỏ mắt, thuốc điều trị ngứa chân, tiêu chảy; cấp 920 bình nước lọc; phối hợp Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai lắp 10 bồn chứa, dung tích 2.000 lít nước sạch để cấp miễn phí cho người dân.
Tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ và xã hội hóa, xã Nam Phương Tiến đã cấp 1.430 thùng mì tôm, 5.000 cốc nến, 200 lốc sữa, 100 bịch lương khô, 45 bình nước loại 20 lít, 27 suất tiền mặt trị giá 500.000 đồng/suất và 100 suất tiền mặt trị giá 300.000 đồng/suất... cho người dân.
Còn Chủ tịch UBND xã Tốt Động Phùng Xuân Toàn cho biết, tới thời điểm này, xã vẫn còn 197 ngôi nhà của người dân 4 thôn bị ngập sâu từ 1,8 đến 2m. Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, xã chủ động bố trí kinh phí cấp 370 bình nước lọc. Tại Quảng Bị, xã đã hỗ trợ 81 hộ dân sinh sống ven sông Bùi bị ngập nước 51 thùng mì tôm, 81 bình nước sạch loại 20 lít/bình...
Để ổn định đời sống người dân vùng ngập lụt, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động tối đa nguồn lực, không để người dân bị đói, khát, bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn bố trí lực lượng, lắp dựng biển, rào chắn các tuyến đường ngập sâu. Công an huyện thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân...