Phổ biến phim trên không gian mạng: Siết chặt quản lý để phát triển lành mạnh
Mặc dù đã có Luật Điện ảnh và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, song hiện việc quản lý phổ biến phim trên không gian mạng vẫn là vấn đề nan giải trong bối cảnh internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Dẫu khó nhưng công tác quản lý không thể buông lỏng. Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cùng sự góp sức của khán giả sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời những bộ phim có nội dung xấu, độc hại, vi phạm pháp luật...
Vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đỗ Quốc Việt cho biết, hiện người dân đang có xu hướng chuyển từ xem phim ở rạp sang xem tại các ứng dụng, thiết bị di động, ti vi thông minh có kết nối internet.
Trước xu hướng đó, các đơn vị, doanh nghiệp phát hành phim trong và ngoài nước đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển các ứng dụng phổ biến phim trên không gian mạng. Hàng loạt dịch vụ cung cấp phim xuyên biên giới có nguồn phim đa dạng, phong phú, với mức chi phí hợp lý, tiện ích xem phim không giới hạn về thời gian và địa điểm ra mắt, như: Netflix, VieON, FPT Play, Galaxy Play, DANET, Apple TV, Disney Plus, MyTV, WeTV… Các doanh nghiệp này thu lợi không kém doanh thu rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, việc phổ biến phim trên không gian mạng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước. Đã có những vi phạm rất tinh vi diễn ra thông qua hình thức này. Đó là việc lồng ghép hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo; xuyên tạc lịch sử dân tộc trong nội dung phim, như ở “Hướng gió mà đi” (chiếu trên Netflix, FPT Play); “Một đời một kiếp” (chiếu trên IQiYi); “199 Love” (chiếu trên VieON); “Little Women”, “MH370: Chiếc máy bay mất tích” (chiếu trên Netflix)… Tất cả những phim này đều bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ khỏi các nền tảng.
Bên cạnh đó, hoạt động phát hành phim bất hợp pháp (phim lậu) trên nền tảng số cũng ngày càng phức tạp. Ngoài hành vi phân phối, phát tán phim chưa mua bản quyền cũng như chưa được sự cho phép của nhà sản xuất trên mạng để thu lợi bất chính, hiện nay, còn xuất hiện việc sao chép, cắt xén, livestream… phim, gây ảnh hưởng xấu đến ngành điện ảnh Việt và các cá nhân, chủ sở hữu bản quyền phim. Nhiều trang web chứa mã độc “đội lốt” trang xem phim miễn phí để lấy cắp thông tin hoặc lừa đảo người dùng…
Phát hiện, cảnh báo, xử lý kịp thời
Hiện nay, các quy định pháp luật về quản lý phim trên không gian mạng đã cơ bản được ban hành đầy đủ, nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng để rà soát, kiểm tra và phát hiện phim vi phạm. Tuy nhiên, tổ công tác này gặp nhiều khó khăn vì nhân lực mỏng, hầu hết làm kiêm nhiệm, mà số lượng phim phổ biến trên mạng quá lớn, nên dù rất tích cực, vẫn khó có thể rà soát hết…
Quyết không buông lỏng, hiện nay, cùng với hoạt động của tổ công tác, Cục Điện ảnh cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về phổ biến phim trên không gian mạng. Các văn bản quy phạm pháp luật về điện ảnh, danh mục phim hằng tháng đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục. Trang web quản lý phim trên không gian mạng đã được xây dựng và đi vào vận hành để các doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng thực hiện thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim… Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện quản lý phim trên nền tảng số.
Phối hợp quản lý phim phổ biến trên không gian mạng, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Điều phối, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phan Thu Hồng cho rằng, tính chất nhanh chóng, bất tận, đa chiều, khó lường của không gian mạng hiện nay đòi hỏi công tác quản lý, giám sát phải thường xuyên được cải thiện, đổi mới, phù hợp với thực tiễn. Để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi thông tin có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật từ các trang có phim không rõ nguồn gốc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật điều phối và giám sát việc chặn lọc kỹ thuật của 11 nhà mạng và sắp tới sẽ nâng cao năng lực rà quét, giám sát liên tục 24/7, phát hiện sai phạm, cảnh báo và xử lý kịp thời.
Về phía doanh nghiệp phổ biến phim trên không gian mạng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền hình FPT (FPT Play) Tô Nam Phương chia sẻ, hiện đơn vị đang thử nghiệm đưa trí tuệ nhân tạo - AI vào kiểm duyệt phim để rà soát những dấu hiệu hình ảnh, nội dung vi phạm pháp luật và bước đầu có hiệu quả.
Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao nhận thức của người dùng cũng đóng vai trò quan trọng. Phó Giám đốc Công ty Phát triển dịch vụ truyền hình MyTV Hoàng Thị Bích Hà cho rằng, cần tuyên truyền tới người dùng, đặc biệt là có các chương trình lồng ghép, giáo dục lớp trẻ không sử dụng sản phẩm lậu, vi phạm bản quyền trên mạng để tạo thói quen tốt và bảo vệ chính mình khỏi nội dung độc hại.