Văn nghệ

Những thước phim ghi bằng máu và nước mắt

Đinh Thúy 28/07/2024 13:40

Những thước phim tài liệu phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã góp phần ghi lại một thời kỳ lịch sử đau thương mà anh hùng của dân tộc, phản ánh sự thật lịch sử, những khoảnh khắc vinh quang của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cùng với số phận, máu và nước mắt của bao người ngã xuống. Để làm được điều đó, những người phóng viên chiến trường đã không tiếc máu xương của mình.

638569850008546033-nsnd-le-thi-hoi-tre(1).jpg
NSND Lê Thi thời trẻ.

Ghi lịch sử bằng máu và nước mắt

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, nền điện ảnh tài liệu nước nhà đã xuất hiện những nhà quay phim - phóng viên chiến trường tên tuổi như Nguyễn Giá, Lê Bá Huyến, Trần Văn Thủy, Minh Trí, Hà Tài, Phùng Đệ, Nguyễn Thanh Xuân, Đặng Xuân Hải... Biết bao thước phim tư liệu của họ đã kể câu chuyện những chàng trai, cô gái vì quê hương mà dâng hiến cả tuổi xuân. Hiện thực trong những khung hình không chỉ là tình yêu, trách nhiệm nghề nghiệp mà còn có cả sự hy sinh của chính những người cầm máy.

Có thể kể đến nhà quay phim - liệt sĩ Nguyễn Giá đã tham gia quay các bộ phim tài liệu rất có giá trị trong những năm 60 của thế kỷ trước như “Trên hải phận Tổ quốc”, “Hợp tác xã Đại Phong”, “Ở vùng giải phóng Lào”... Hay nghệ sĩ quân đội Phùng Đệ, người gắn bó với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với điện ảnh và những trải nghiệm phải đánh đổi bằng xương máu, tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm điện ảnh: “Võ tay không”, “Những cô gái C3 quân giải phóng”, “Chiến thắng lịch sử xuân 1975”, “Chiến thắng Đường 9 Nam Lào”...

Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh trên cả hai miền Nam - Bắc, nhà quay phim Đặng Xuân Hải là phóng viên quay phim mặt trận vào Huế tham gia Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quay nhiều thước phim quý báu để sau đó làm nên bộ phim “Vài hình ảnh chiến thắng Xuân 1968”. Năm 1972, ông đã cùng đồng nghiệp vào Quảng Trị thực hiện 2 bộ phim “Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy” và “Chiến thắng lịch sử xuân 1972” tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị - mặt trận ác liệt nhất trong Chiến dịch xuân hè 1972...

Nhà quay phim Phùng Đệ từng nói: “Ai đã từng đi qua đường Trường Sơn thì cũng xứng đáng được thưởng huân chương”. Ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội vừa mới hôm qua mà nay đã không còn bởi bom rơi đạn lạc, bởi những cơn sốt rét rừng. Phải sống đời sống của chiến sĩ, sống đời sống chiến hào và bám sát hiện thực chiến đấu, các nhà làm phim tài liệu mới có những thước phim chân thực nhất. Họ đã ghi lại lịch sử nước nhà bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương mình.

Những nhân chứng sống

Không chỉ phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, những tác phẩm điện ảnh tài liệu đã góp phần tìm lại sự thật lịch sử, phân định rạch ròi đúng - sai, xóa tan những hiểu lầm hay trả lại một phần lịch sử cho những con người đã cống hiến âm thầm cho cuộc chiến.

“Đường mòn trên biển Đông” (đạo diễn Lê Thi - Phạm Nguyên) công chiếu năm 1995 là bộ phim đầu tiên của điện ảnh tài liệu công khai sự hình thành và phát triển của đoàn tàu không số, những con tàu bí mật vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Bộ phim thành công khi tập trung phản ánh số phận con người, những người chiến sĩ vô danh trên mặt trận âm thầm, đầy khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

“Người lính xe tăng 390 ngày ấy” và “Chuyện thật trưa 30/4/1975” là hai bộ phim tài liệu ghi dấu ấn sự nghiệp của đạo diễn Phạm Việt Tùng. Ông đã mất 46 năm để theo đuổi việc trả lại đúng sự thật về người đã viết ra từng câu, từng chữ để buộc Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Trong bộ phim “Người lính xe tăng 390 ngày ấy", đạo diễn Phạm Việt Tùng đã đấu tranh trả lại sự thật cho 4 người lính trên chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập (thay vì là xe tăng 843 như ngộ nhận ban đầu).

Những thước phim tài liệu không chỉ tái hiện hiện thực hào hùng cùng những chiến công hiển hách của dân tộc trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do mà còn đồng hành cùng mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc tái thiết, xây dựng và đổi mới đất nước, khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Có thể kể đến những tác phẩm như “Đường về” (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư), "Chư Tan Kra” (đạo diễn Vũ Minh Phương) nói về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nỗi đau đớn chưa bao giờ nguôi của những người mẹ, người vợ.

Đại tá, NSND Lê Thi từng nói: “Mỗi tác phẩm đều có thể nói lên số phận con người, bởi số phận con người lập ra kỳ tích, từ số phận cá nhân mới thấy được sức mạnh dân tộc”. Còn đạo diễn Phạm Việt Tùng luôn tâm niệm: “Đất nước mình là một “pho truyện dài”, qua nhiều năm lịch sử chống giặc ngoại xâm. Mỗi một chặng đường, một giai đoạn đều có những sự tích hay”. Chính vì vậy, người làm phim tài liệu đã cố gắng để tái hiện những số phận một cách chân thực nhất giúp thế hệ sau hiểu hơn về những hy sinh của cha ông cũng như lịch sử của đất nước.

Không ít tư liệu, hình ảnh sống động về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc bao gồm: Những tư liệu mật của Đảng và Nhà nước, quân đội, tư liệu thu được trong chiến tranh, trong đó có những tư liệu chưa được công bố, những tư liệu quân sự nước ngoài... được ghi lại có sự góp sức không nhỏ, thậm chí là sự hy sinh của các chiến sĩ - phóng viên chiến trường. Chắc chắn, câu chuyện về lịch sử dân tộc sẽ tiếp tục được kể qua những thước phim của nhiều thế hệ nhà làm phim tài liệu Việt Nam trước đây, hôm nay và mai sau. Mong rằng, những thước phim quý giá ấy sẽ được đến với đông đảo người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế.