Công nghiệp văn hóa

Thúc đẩy, tạo bứt phá cho doanh nghiệp văn hoá:Xác định đúng vai trò để tìm giải pháp thích hợp

Khánh Linh 28/07/2024 07:45

Dù đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa hiện đang gặp không ít khó khăn. Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương -Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam:
Cần sớm hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý

pv1.jpg

Công nghiệp sáng tạo ở nước ta hiện vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, Việt Nam chưa có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách ưu tiên đầu tư cho sáng tạo khiến nguồn lực sáng tạo bị trói buộc, kìm hãm sự cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế chưa rõ ràng; vẫn tồn tại thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động văn hóa, quan niệm ngành Văn hóa là "ngành tiêu tiền"...

Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ; quá trình hoàn thiện thể chế chưa tạo được điều kiện ưu tiên và khuyến khích hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển...

Chính vì thế, từ nay đến năm 2030, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, hành lang pháp lý để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, phát huy tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.

Tiến sĩ Trịnh Lê Anh - Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Khuyến khích hợp tác công tư để phát triển các không gian sáng tạo đa năng

638572828358240953-z5658077026430_82aa83248b4b5fadcbf2cf02fdc389d4.jpg

Bên cạnh lợi thế, các doanh nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tiên là những hạn chế về tài chính. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp sáng tạo đang gặp trở ngại trong việc huy động vốn để phát triển các dự án nghệ thuật và sáng tạo do các nguồn tài trợ và đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật thường không ổn định, khó tiếp cận. Tiếp đó, đa số doanh nghiệp sáng tạo đang thiếu không gian và cơ sở hạ tầng để tổ chức sự kiện và các hoạt động sáng tạo.

Chính sách và quy định hỗ trợ cho ngành sáng tạo chưa được định hình rõ ràng và hiệu quả, chưa kể thủ tục hành chính phức tạp và thiếu sự hỗ trợ cụ thể từ phía các cơ quan chức năng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp văn hóa thiếu sự nhận thức đúng đắn, chưa đánh giá đầy đủ về giá trị của nghệ thuật và các sản phẩm sáng tạo, dẫn đến việc chưa có sự hỗ trợ và đầu tư cần thiết.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sáng tạo, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về tài chính tốt hơn, như dành các khoản vay ưu đãi, quỹ hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo phát triển. Bên cạnh đó, việc tạo ra nhiều không gian sáng tạo, trung tâm nghệ thuật và các cơ sở hạ tầng khác là rất cần thiết cho hoạt động của các doanh nghiệp sáng tạo…

Ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc doanh nghiệp sáng tạo Tired City: Doanh nghiệp văn hóa chính là phần lõi của công nghiệp văn hóa

z5672108136305_f1b278924253af8aa040d5c92c0f9d84.jpg

Theo tôi, với người điều hành doanh nghiệp văn hóa sáng tạo liên quan nhiều đến văn hóa Việt Nam, khó khăn lớn nhất đến từ nguồn tư liệu.

Hiện tại, tài liệu liên quan đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, phân tán khắp nơi, gây khó khăn cho khâu tiếp cận. Điều này khiến cộng đồng sáng tạo khó cập nhật thông tin.

Thứ hai là câu chuyện về định vị văn hóa. Khi nghĩ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta luôn nhận biết rất rõ thế mạnh văn hóa của họ, nhưng định vị văn hóa tại Việt Nam chưa rõ ràng như thế. Khó khăn tiếp theo với một doanh nghiệp văn hóa như Tired City đó là đối tác thường có quy mô nhỏ, sức ảnh hưởng không lớn nên rất khó mở rộng thị trường.

Từ những khó khăn trên, tôi cho rằng doanh nghiệp văn hóa trong tương lai cần được quan tâm hơn, bởi xét cho cùng, doanh nghiệp văn hóa chính là cái lõi của công nghiệp văn hóa. Nhà nước cần sớm ban hành chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện để họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nhà nước cũng cần chú trọng hơn trong việc đào tạo nguồn lực sáng tạo nhằm xây dựng nền tảng để cộng đồng tiếp cận với nghệ thuật sáng tạo dễ dàng hơn.