Không để phát sinh đường ngang mất an toàn
Thời gian qua, tại các địa phương vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt tại các đường ngang dân sinh tự phát. Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt, trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở (chiếm 46%), 27 vụ xảy ra dọc đường sắt (40%), 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động (15%). Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt, phần lớn là do người tham gia giao thông không chú ý quan sát khi lưu thông qua đường ngang giao cắt với đường sắt, dù có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Thậm chí tại nhiều điểm giao cắt, dù có nhân viên gác rào chắn cảnh báo nguy hiểm khi tàu chạy qua, nhiều người vẫn băng qua đường sắt, bất chấp nguy hiểm.
Việc mở đường ngang dân sinh qua đường sắt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, song hiện vẫn còn 1.510 đường ngang và hơn 3.600 lối đi tự mở. Điều đáng nói, nhiều đường ngang vào làng, xã, khu dân cư với hàng nghìn hộ dân sinh sống, nếu xóa bỏ, người dân sẽ không có lối đi. Ðây là bài toán khó được đặt ra với ngành đường sắt từ nhiều năm nay.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 350/TB-VPCP ngày 25-7-2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Văn bản nhấn mạnh việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại 566 đường ngang còn lại là rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn chạy tàu. Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh mục và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa theo đúng quy định pháp luật và hoàn thành chậm nhất trong năm 2025; tổ chức tốt việc thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý chi phí, đơn giá, định mức; tổ chức sửa chữa các đường ngang bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra tại các khu vực có đường ngang giao cắt với đường sắt, về lâu dài, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở. Đặc biệt là nâng cao ý thức người dân sinh sống ven đường sắt trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang đường sắt, không “đi, đứng, nằm, ngồi” trên đường sắt.
Đối với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua cần xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ dứt điểm các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt. Đối với các lối đi tự mở đang chờ xóa bỏ, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường như bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, thu hẹp chiều rộng, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ giảm tốc cảnh báo…
Lực lượng chức năng các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt; điều tra, xử lý nghiêm những vụ tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật… Như vậy, chúng ta mới không để phát sinh đường ngang mất an toàn.