Xã hội

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024): Không ngừng bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công

Dương Quang 27/07/2024 - 15:21

Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), hàng loạt hoạt động nghĩa tình, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã và đang được triển khai, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng.

nguoi-co-cong.jpg
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội chăm sóc người có công. Ảnh: Khánh Quyên

Vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm

77 năm qua, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. 77 năm qua cũng là khoảng thời gian những chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện.

Mới đây, ngày 1-7-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công theo tinh thần của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Thới (phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho biết: “Chồng tôi khi còn sống là thương, bệnh binh, cán bộ tiền khởi nghĩa. Khi còn sống, chồng tôi được hưởng chế độ ưu đãi dành cho người có công. 16 năm qua, sau khi ông qua đời, gia đình tôi tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ. Nay mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng thêm nhiều, chúng tôi thực sự trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong chế độ chính sách ưu đãi người có công và thân nhân”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không chỉ quan tâm điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công, những năm qua, công tác thăm hỏi, tặng quà, chăm lo đời sống người có công cũng luôn được đặc biệt quan tâm. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Chính quyền các cấp luôn chăm lo cuộc sống của thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Điểm sáng trong công tác chăm sóc người có công

Là một trong các địa phương có nhiều chính sách đặc thù, thực hiện tốt chế độ ưu đãi đối với người có công, Hà Nội luôn là điểm sáng trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tổng kinh phí 6 tháng đầu năm chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.252 tỷ đồng. Trong đó, Thành phố thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho gần 80.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.094 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 88 tỷ đồng; chi quà Tết 35 tỷ đồng... Đặc biệt, Thành phố còn tích cực hướng dẫn thực hiện kế hoạch điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng năm 2024, qua 6 tháng đã tổ chức điều dưỡng tập trung đối với 7.386 lượt người có công và thân nhân với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã tiếp nhận, tra cứu và giải quyết 5.209 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công; ban hành 726 văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn Thành phố. Đáng chú ý, hàng loạt hoạt động tôn vinh, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã được tổ chức. Hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội đã thăm, tặng quà, dâng hương tại một số địa danh, di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Côn Đảo, Phú Quốc. Trong đó, đoàn công tác của Thành phố đã thăm, tặng quà cho tỉnh Điện Biên và Hà Giang mỗi tỉnh 170 suất quà (70 suất quà cho người có công; 100 suất quà cho trẻ em) với số tiền 570 triệu đồng; tặng mỗi tỉnh 3 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường thực hiện công tác thăm hỏi, tặng quà đối với các tập thể, cá nhân người có công tiêu biểu. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang tích cực tham mưu ban hành Quy chế quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Thành phố, thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong năm; rà soát các hộ gia đình người có công, phân tích hoàn cảnh cụ thể của từng hộ để có giải pháp thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ các hộ gia đình người có công có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã xây dựng xong dự thảo Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Thành phố. Nếu được thông qua, chế độ ưu đãi đối với người có công trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục được mở rộng và nâng cao.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc người có công, giáo dục cho thế hệ trẻ mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha ông để sống, chiến đấu, lao động và học tập sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn đó. Không chỉ thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đúng, đủ, kịp thời, Hà Nội còn đặc biệt quan tâm các gia đình người có công còn khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, Thành phố tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thân nhân gia đình người có công; thường xuyên quan tâm chăm sóc y tế, bảo đảm sức khỏe cho người có công và gia đình. Cùng với đó, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục có những hành động thiết thực, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Bằng những việc làm cụ thể với ý thức trách nhiệm cao, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã và đang chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, coi việc thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công vừa là bổn phận, trách nhiệm vừa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.