Thế giới

733 triệu người đối mặt nạn đói

Thương Nguyệt 25/07/2024 - 10:30

Báo cáo thường niên về Tình hình An ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới (SOFI) cho thấy, khoảng 733 triệu người phải đối mặt với nạn đói trong năm 2023 do những tác động của xung đột, biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế.

Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, mục tiêu xóa đói toàn cầu vào năm 2030 dường như ngày càng khó đạt, trong bối cảnh số người thiếu ăn hầu như không thay đổi trong năm qua.

Giám đốc bộ phận thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) David Laborde cho biết, mặc dù đã đạt được tiến triển ở một số khu vực nhưng tình hình vẫn xấu đi trên phạm vi toàn cầu.

Ông David Laborde nhận định, thế giới đang trong tình hình tồi tệ hơn so với 9 năm trước, thời điểm đưa ra mục tiêu xóa đói, giảm nghèo vào năm 2030. Những thách thức như biến đổi khí hậu và xung đột khu vực đã trở nên nghiêm trọng hơn so với dự kiến ​​cách đây một thập kỷ.

1.jpg
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm ở Sudan. Ảnh: Reuters

Báo cáo cảnh báo, nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, khoảng 582 triệu người sẽ mắc chứng suy dinh dưỡng mạn tính vào cuối thập kỷ này, với một nửa trong số đó ở châu Phi.

Mục tiêu lớn hơn về việc bảo đảm tiếp cận lương thực thường xuyên và đầy đủ cũng đã bị đình trệ trong 3 năm qua, trong bối cảnh 29% dân số toàn cầu (tương đương 2,33 tỷ người) gặp tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng vào năm 2023.

Yếu tố bất bình đẳng càng trở nên rõ rệt khi khoảng 71,5% người dân ở các quốc gia thu nhập thấp không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh vào năm ngoái, so với 6,3% ở những quốc gia thu nhập cao.

Tình trạng dinh dưỡng kém là vấn đề đáng lo ngại do có thể để lại hậu quả suốt đời, cản trở sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh và trẻ em, khiến người trưởng thành đối diện nguy cơ cao mắc bệnh.

Xu hướng khu vực thay đổi đáng kể, với nạn đói tiếp tục gia tăng ở châu Phi - châu lục có dân số ngày càng tăng, thường xuyên xảy ra xung đột và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngược lại, châu Á ít biến động, trong khi tình hình tại châu Mỹ Latinh đã cải thiện.

Nhà kinh tế trưởng Maximo Torero của FAO cho biết, Nam Mỹ có các chương trình bảo trợ xã hội phát triển, cho phép họ can thiệp để giải quyết nạn đói một cách hiệu quả và nhanh chóng. Nhưng điều này không tồn tại ở châu Phi.

Viện trợ quốc tế liên quan đến an ninh lương thực và dinh dưỡng lên tới 76 tỷ USD/năm nhưng thực tế chỉ tương đương 0,07% tổng sản lượng kinh tế hằng năm của thế giới. Liên hợp quốc cho rằng, cách thức tài trợ chiến dịch chống đói cần thay đổi để bảo đảm hỗ trợ những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.