Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô hiện rất lớn, vì vậy, ngoài chủ động một phần, Hà Nội còn liên kết với các tỉnh, thành phố để cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn.
Nhằm kiểm soát chất lượng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng chuỗi; lấy mẫu giám sát nguồn cung nông sản an toàn trên thị trường.
Duy trì các chuỗi liên kết
Hiện tại, mỗi tháng người dân Hà Nội tiêu thụ khoảng 96.700 tấn gạo, 19.300 tấn thịt lợn, 5.350 tấn thịt bò, 6.400 tấn thịt gà, 129 triệu quả trứng gia cầm, 19.250 tấn thủy sản, 5.350 tấn thực phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản, 107.500 tấn rau, củ, quả. Thế nhưng, hiện Hà Nội chỉ chủ động được khoảng 20-70% các loại nông sản, thực phẩm, nguồn cung cấp còn lại chủ yếu đến từ các tỉnh ở khu vực phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long.
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, Hà Nội đang duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia xây dựng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. “Để bảo đảm chất lượng nguồn thực phẩm từ nông, lâm, thủy, hải sản, chi cục đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Là đơn vị cung cấp một lượng lớn nông sản sạch cho thị trường Hà Nội, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang) - chi nhánh tại Hà Nội Nguyễn Nam Phong chia sẻ, khoảng 3 năm nay, hợp tác xã đã đưa các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Tiền Giang ra Hà Nội tiêu thụ. Hiện mỗi năm hợp tác xã cung cấp khoảng 50-60 tấn trái cây thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các đơn vị, doanh nghiệp chế biến nông sản. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm trái cây đều có nhãn mác cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc.
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy cho hay, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với 2.181 hộ dân ở một số địa phương và bao tiêu 100% sản phẩm lúa gạo cho nông dân khi vào vụ thu hoạch. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, phát triển gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã cung cấp khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho người tiêu dùng Thủ đô với giá ổn định.
Kiểm soát từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm
Để kiểm soát chuỗi nông sản an toàn cung cấp ra thị trường, trong đó có Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất tập trung áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; tổ chức chứng nhận thẩm định, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương tự. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, mua bao bì đóng gói sản phẩm ra thị trường tiêu thụ; phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng cường kiểm tra lấy mẫu sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, trong thời gian tới, Sở đẩy mạnh công tác phối hợp lấy mẫu giám sát chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh, tập trung vào những nhóm sản phẩm, như: Rau, thịt, thủy sản…, qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý theo quy định. Đối với những mẫu vi phạm, Hà Nội sẽ thông báo tới các tỉnh, thành phố để có biện pháp xử lý tận gốc tại cơ sở vi phạm, nhằm minh bạch thông tin sản phẩm tới tay người tiêu dùng... Mặt khác, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương triển khai hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tập trung rà soát, tham mưu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho phù hợp với thực tiễn quản lý. Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ phổ biến rộng rãi các chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.