Khơi thông cho làng nghề vươn xa
Với thế mạnh vốn có, khu vực làng nghề của Hà Nội đang mang lại doanh thu rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm; đồng thời là sinh kế ổn định của hàng vạn hộ dân khu vực nông thôn.
Vì thế, việc tiếp tục khơi thông cơ chế, chính sách để làng nghề phát huy tốt hơn nữa thế mạnh, trở thành một trong những trụ cột vững chắc trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn đang được thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện.
Được mệnh danh là mảnh đất “trăm nghề”, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận), với khoảng 176.000 hộ làm nghề, là nơi tập trung số lượng lớn nhất, chiếm khoảng 45% tổng số làng nghề của cả nước.
Trong những năm gần đây, thành phố đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ để không chỉ giữ được “sức sống” mà còn phát triển, nâng tầm cho sản phẩm làng nghề bay cao, bay xa. Nhờ vậy, kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu và giá trị xuất khẩu. Những năm gần đây, doanh thu của các làng nghề bình quân đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài mang lại nguồn lợi to lớn về kinh tế, mỗi làng nghề Hà Nội đều có một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…
Tuy vậy, khu vực làng nghề Thủ đô đang rất cần những cú hích mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, nhất là việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch mặt bằng sản xuất, hạ tầng; phát triển làng nghề gắn với du lịch và môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu và liên kết vùng nguyên liệu; tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khuyến khích người dân làm nghề thủ công truyền thống…
Liên quan đến những vấn đề nêu trên, tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại làng nghề trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 5-7 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố sẽ có chính sách thông thoáng hơn để người sản xuất tại làng nghề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường thuận lợi hơn.
Trên tinh thần tháo gỡ mọi vướng mắc để khơi thông phát triển thế mạnh làng nghề, các địa phương và sở, ngành liên quan của thành phố cần tiếp tục tập trung quy hoạch, triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề, kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch và triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đó cần xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề, tổ chức giới thiệu quy trình sản xuất sản phẩm làng nghề... nhằm tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến.
Đặc biệt, các địa phương cần xác định phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống là thế mạnh, phát huy giá trị truyền thống, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long - Hà Nội. Những vốn quý này đều chứa đựng rất nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để truyền tải một cách mạnh mẽ thông qua từng sản phẩm làng nghề. Song song, cấp có thẩm quyền cần tiếp tục quan tâm, có thêm sự đãi ngộ, hỗ trợ để người làm nghề thêm gắn bó, gìn giữ, phát triển nghề thủ công ở địa phương, nhất là với những nghệ nhân, người có tay nghề cao ở các làng nghề.