Điểm nóng

Hungary ngăn EU hoàn tiền cho quốc gia thành viên đã viện trợ vũ khí cho Ukraine

Quốc Việt 24/07/2024 16:00

Hungary sẽ ngăn Liên minh châu Âu (EU) hoàn tiền cho các quốc gia thành viên đã viện trợ vũ khí cho Ukraine cho đến khi Kiev bỏ lệnh cấm vận chuyển dầu đối với công ty năng lượng Lukoil của Nga.

Hồi đầu tháng 7, Slovakia và Hungary xác nhận đã buộc phải ngừng tiếp nhận dầu từ Công ty Lukoil thông qua Druzhba - một đường ống dẫn dầu chạy qua lãnh thổ Ukraine, sau khi Kiev áp đặt lệnh cấm vận chuyển loại nhiên liệu này ở tháng trước đó.

Để đối phó với tình hình, Bộ Năng lượng Hungary triệu tập một nhóm làm việc liên quan đến an ninh nguồn cung. Nhóm này “xem xét các bước đã thực hiện cho đến nay và các bước tiếp theo có thể thực hiện được”, một tuyên bố của Bộ Năng lượng nước này nêu rõ.

“Chừng nào vấn đề không được Ukraine giải quyết, mọi người nên quên khoản thanh toán 6,5 tỷ euro từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF)”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh.

c6t7jcbrcjpfhoevkayrksof3i.jpg
Các quốc gia EU viện trợ Ukraine có thể thiệt hại hàng tỷ euro nếu Hungary quyết chặn cơ chế hoàn tiền. Ảnh: Reuters

Được thành lập vào năm 2021, EPF hoạt động như một chương trình hoàn tiền, giúp các quốc gia thành viên EU nhận được khoản hoàn lại sau khi viện trợ vũ khí cho các quốc gia khác.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Trong khi đó, Ukraine cho biết, dù đã chặn dòng chảy dầu từ Công ty Lukoil nhưng tổng lưu lượng qua đường ống này vẫn không suy giảm.

Theo Reuters, đường ống dẫn dầu Druzhba nối Nga với các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu, vẫn hoạt động trong hơn 2 năm xung đột, ngay cả khi EU đã loại bỏ hầu hết nguồn cung cấp năng lượng khác của Nga. Đáng chú ý, Hungary vẫn phụ thuộc đáng kể vào dầu mỏ của Nga và Budapest không thể cung cấp loại nhiên liện này cho các nhà máy lọc dầu nếu không có nguồn cung.

Ngày 22-7, Hungary và Slovakia đã yêu cầu Ủy ban châu Âu tiến hành một thủ tục tham vấn với Ukraine. Thủ tục này cho phép vấn đề được đưa ra tòa nếu cơ quan của EU không có hành động trong vòng 3 ngày.