Hà Nội kết nối

Nhân viên y tế tuyến trên sẽ luân chuyển về cơ sở từ 2-12 tháng

Thu Hoài 24/07/2024 - 12:20

Ngày 24-7, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin về kế hoạch triển khai thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập năm 2024.

a172.jpg
Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ kỹ thuật lọc thận cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Nguồn: Sở Y tế.

Theo kế hoạch của UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc luân chuyển này nhằm cử các nhân viên y tế có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp về hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh; tăng cường sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế; góp phần giảm quá tải cho tuyến trên.

Nhân viên y tế đi luân chuyển là bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Ưu tiên luân phiên nhân viên y tế có thời hạn về tuyến y tế cơ sở, các huyện, xã vùng sâu, vùng xa.

Nhân viên y tế thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 2 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn).

Nhân viên y tế có thể được cử đi luân phiên có thời hạn theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới. Mỗi đợt đi luân phiên theo nhu cầu công việc của nơi được cử đến, cần bố trí người đến luân phiên làm việc 2 ngày/tuần, 1 tuần/tháng và được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên. Thời gian tối đa của mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày/đợt.

Đối tượng được miễn thực hiện chế độ luân phiên là nhân viên y tế nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi. Nhân viên y tế đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.

Những người được miễn luân chuyển còn có nhân viên y tế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công tác xa nhà. Nhân viên y tế là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện)…

Trước đó, từ năm 2022 đến nay, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã là địa phương đầu tiên trong cả nước bổ sung nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở bằng cách cử sinh viên y khoa năm cuối thực tập tại các bệnh viện về trạm y tế và coi đây là một trong những điều kiện xem xét cấp giấy chứng nhận hành nghề cho những sinh viên này sau khi tốt nghiệp.