Điểm nóng

Biển Đỏ ngày càng nguy hiểm

Thương Nguyệt 24/07/2024 - 09:58

Những diễn biến gần đây ở Biển Đỏ và các tuyến đường thủy xung quanh cho thấy mối đe dọa của phong trào Houthi đối với hoạt động vận chuyển quốc tế đang gia tăng.

Trong một cuộc họp báo về tình hình ở Yemen, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen Hans Grundberg đã cảnh báo về mối nguy hiểm thực sự của một cuộc leo thang tàn khốc ở khu vực, trong bối cảnh Houthi tiếp tục tấn công các tàu thương mại và sau khi Israel lần đầu tiên không kích Yemen để trả đũa việc Houthi tấn công quốc gia này bằng máy bay không người lái và tên lửa.

“Những diễn biến gần đây cho thấy, mối đe dọa đối với hoạt động vận chuyển quốc tế đang gia tăng về phạm vi và độ chính xác. Điều đáng báo động là không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ hạ nhiệt, chứ đừng nói đến giải pháp”, ông Hans Grundberg bày tỏ lo ngại khi phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 23-7 (giờ địa phương).

Theo nhận định của Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen, các cuộc tấn công Israel do Houthi thực hiện và động thái trả đũa của quốc gia này nhằm vào cảng Hodeidah, các cơ sở dầu mỏ và điện của Yemen hôm 20-7 đại diện cho “một cấp độ bạo lực và nguy hiểm mới”.

https___cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com_reuters_kzxyfbxrfjohdnktovxed6dtrq.jpg
Lực lượng Houthi bao vây tàu chở hàng Galaxy Leader hồi cuối năm 2023. Ảnh: Reuters

Kể từ khi bắt đầu gia tăng căng thẳng trên Biển Đỏ, Houthi đã gây hư hại và đánh chìm các tàu thương mại, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, liên quân Mỹ và Anh vẫn tiếp tục tiến hành không kích nhiều mục tiêu quân sự ở các khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen.

Theo Reuters, Houthi tấn công Israel và các tàu thương mại hoạt động trên Biển Đỏ để đáp trả chiến dịch quân sự của quốc gia này tại Dải Gaza. Tính đến nay, phong trào do Iran hậu thuẫn đã tiến hành 200 cuộc tấn công nhằm vào Israel. Phần lớn trong số này đều bị ngăn chặn và hầu hết không gây thương vong.

Yemen chìm trong nội chiến kể từ năm 2014 khi Houthi giành quyền kiểm soát phần lớn miền Bắc và buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải rời khỏi thủ đô Sanaa. Năm 2015, một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành can thiệp để hỗ trợ các lực lượng chính phủ Yemen.

Dù giao tranh giữa hai bên giảm đáng kể sau lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tháng hồi năm 2022 nhưng các cuộc đụng độ tại nhiều khu vực đã được báo cáo trong tháng này. Diễn biến này phù hợp với tuyên bố của ông Hans Grundberg về ​​dấu hiệu của các hoạt động chuẩn bị và tăng cường quân sự.

Sự đối đầu giữa Houthi và chính quyền Yemen được quốc tế công nhận cũng gây chia rẽ về kinh tế, trong bối cảnh hai bên đối lập thành lập các ngân hàng trung ương riêng biệt và độc lập, cùng các phiên bản khác nhau của đồng tiền quốc gia riyal.