Tạo sức bật mới cho du lịch Việt Nam:Khắc phục tồn tại để cải thiện vị thế
Trong thời gian qua, câu chuyện về chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được nhắc đến khá nhiều. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia, doanh nghiệp xoay quanh chủ đề này.
Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam):
Phát huy các thế mạnh nổi trội
Năm 2024, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã điều chỉnh cách đánh giá Chỉ số năng lực phát triển du lịch. Với cách đánh giá mới này, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á cũng bị tụt hạng. Kết quả xếp hạng này chưa phản ánh thật sự chính xác, nhưng cung cấp cái nhìn tổng thể
về những điểm mạnh, điểm yếu của ngành Du lịch Việt Nam.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành Du lịch phải tiếp tục duy trì, phát huy các thế mạnh nổi trội về: Sức cạnh tranh về giá, Tài nguyên tự nhiên, Tài nguyên văn hóa; Mức độ an toàn, an ninh... Đây là các chỉ số được xếp hạng cao. Tài nguyên du lịch của Việt Nam, đặc biệt là tài nguyên văn hóa, được đánh giá rất cao, tuy nhiên sản phẩm du lịch được nhận định là còn nghèo nàn, trùng lặp... Bởi vậy, phải nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng dựa trên tính đặc thù của các tài nguyên cấp vùng, địa phương để thay đổi nhận định trên.
Một số chỉ số như Hạ tầng hàng không, Sự bền vững về nhu cầu du lịch bị tụt hạng nhiều. Cải thiện chỉ số Hạ tầng hàng không không phải là vấn đề đơn giản, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan thì năng lực và chất lượng phục vụ vận tải hành khách rất khó cải thiện. Để cải thiện chỉ số Sự bền vững về nhu cầu du lịch, ngành Du lịch cần phát triển thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu của du khách, tăng cường các dịch vụ gia tăng để kéo dài thời gian lưu trú của khách tại Việt Nam; đồng thời phát triển các điểm đến mới và áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại một số khu vực trọng điểm du lịch.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh - Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Nắm bắt kịp thời phương pháp đánh giá, đo lường mới
Chúng ta cần ghi nhận những thành tựu của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng du khách quốc tế và nội địa; nhiều khu du lịch và điểm đến đã nhanh chóng hồi phục và mở rộng quy mô, thu hút đông du khách, cùng với đó là các giải thưởng từ các tổ chức du lịch quốc tế... Điều đó cho thấy sự công nhận của cộng đồng quốc tế về chất lượng và dịch vụ của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế tiếp tục đổ vốn vào các dự án du lịch, khách sạn và hạ tầng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của ngành.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về bài toán nâng cao các chỉ số cạnh tranh; nắm bắt kịp thời những phương pháp đánh giá, đo lường mới để xác định các vấn đề còn tồn tại và cải thiện chúng. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng, tăng cường quản lý môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng hơn nữa tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chiến lược quảng bá hiệu quả.
Thạc sĩ Trần Thị Thu Hảo, giảng viên khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp:
Kết quả xếp hạng chưa phản ánh đúng sự đóng góp của du lịch Việt Nam
Kể từ sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn đối với các hoạt động du lịch vào ngày 15-3-2022, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng qua các năm 2022 - 2023, đặc biệt là con số đầy khích lệ của 6 tháng đầu năm 2024 với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; tổng lượng khách du lịch nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt. Với tốc độ tăng trưởng này, tôi tin rằng, ngành Du lịch có cơ sở để hoàn thành mục tiêu năm 2024 như đã đề ra.
Việc chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2024 của du lịch Việt Nam giảm 3 bậc, khách quan mà nói, WEF đã sử dụng số liệu đánh giá giai đoạn 2020 - 2022, là khoảng thời gian du lịch Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, hoạt động du lịch gần như bị đóng băng. Do vậy, kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh đúng sự đóng góp, tác động của du lịch Việt Nam đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ sau khi mở cửa trở lại, du lịch luôn được đánh giá là điểm sáng được quốc tế công nhận. Điều đó được cụ thể hóa qua các giải thưởng lớn của các tổ chức giải thưởng uy tín thế giới: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á...
Mặc dù vậy, chỉ số vẫn là tài liệu giá trị để ngành Du lịch có thể tham khảo, rà soát và đề ra những giải pháp cải thiện.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển du lịch Nụ cười mới:
Phát triển hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng
Việt Nam đã hoàn thiện nhiều tuyến đường cao tốc và đưa vào sử dụng. Điều này giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian di chuyển. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã mạnh dạn đầu tư phương tiện mới, hướng tới sản phẩm tốt, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chỉ số Hạ tầng mặt đất và cảng.
Nếu so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì mức sụt giảm một số chỉ số cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa đến mức báo động. Đáng chú ý, năm nay Việt Nam có 4 chỉ số trong nhóm hàng đầu thế giới: Sức cạnh tranh về giá; An toàn, an ninh; Tài nguyên tự nhiên; Tài nguyên văn hóa; ngoài ra 7 chỉ số trụ cột khác nằm trong nhóm hạng trung bình cao của thế giới. Đặc biệt, chính sách thị thực được áp dụng từ tháng 8-2023 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường khách du lịch quốc tế, hiệu quả được thấy rõ qua con số thống kê về lượng khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào bức tranh tươi sáng của ngành Du lịch.