Cần xử lý dứt điểm các vi phạm thủy lợi
Ngày 22-7, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra tình hình vi phạm pháp luật thủy lợi trên địa bàn phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và các xã: Hòa Bình, Khánh Hà, Tiền Phong (huyện Thường Tín).
Sau khi kiểm tra hiện trường các công trình vi phạm nghiêm trọng mà Báo Hànộimới phản ánh trong bài "Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi: Cấp bách ngăn chặn, xử lý dứt điểm” đăng ngày 9-7-2024, Đoàn công tác làm việc với đơn vị liên quan tại trụ sở UBND xã Tiền Phong.
Đại diện Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân cho biết, ngay khi phát hiện vi phạm, đã phối hợp địa phương lập biên bản, chuyển hồ sơ đến cấp xã, báo cáo cấp huyện xử lý.
Theo đại diện UBND xã Tiền Phong, xã đã lập biên bản, yêu cầu các hộ tự giải tỏa vi phạm, hoàn thiện thủ tục thỏa thuận xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, quá trình xử lý gặp khó khăn vì nhiều hộ dân trên địa bàn đã có “sổ đỏ”…
Về trách nhiệm của huyện, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã xử lý vi phạm sau khi nhận được hồ sơ, báo cáo của đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và chính quyền cơ sở. Nhưng một số xã trên địa bàn chưa quyết liệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của huyện về ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm…
Tại buổi làm việc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải đề nghị các đơn vị, địa phương xử lý ngay vi phạm mới phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy, gây bức xúc dư luận...
Ông Đào Quang Khải cho rằng, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đã làm đúng trách nhiệm, quy định. Ông Khải đề nghị huyện Thường Tín tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở trong bảo vệ công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai… Các xã thực hiện nghiêm túc quyết định của thành phố Hà Nội về quy chế phối hợp trong xử lý vi phạm pháp luật thủy lợi; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp, các ngành; xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật thủy lợi..; chủ động rà soát, đề xuất các cấp, các ngành giải pháp ngăn ngừa phát sinh vi phạm…
“Các đơn vị, địa phương cần kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm ngay từ khi mới phát sinh…”, ông Đào Quang Khải đề nghị.