Trung Quốc sẽ tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết vấn đề dân số
Theo Reuters ngày 22-7, Trung Quốc sẽ dần tăng tuổi nghỉ hưu theo luật định, hiện đang ở mức thấp nhất thế giới, để giảm bớt áp lực ngày càng tăng lên ngân sách lương hưu khi nhiều nơi đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt.
Cuộc cải cách này cấp bách khi tuổi thọ trung bình ở Trung Quốc đã tăng lên 78 tuổi vào năm 2021, trong khi từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960, vượt xa Mỹ và dự kiến sẽ vượt quá 80 tuổi vào năm 2050. Thông báo vừa được đưa ra trong một văn bản chính sách quan trọng, bao gồm các kế hoạch nhằm tăng cường chiến lược ứng phó với tình trạng tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa.
"Theo nguyên tắc tham gia tự nguyện với sự linh hoạt phù hợp, chúng tôi sẽ thúc đẩy cải cách để tăng dần độ tuổi nghỉ hưu theo luật định một cách thận trọng và có trật tự", chính quyền Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh các cải cách được nêu trong văn bản này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2029.
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc đối với nam giới là 60, thấp hơn 5-6 năm so với hầu hết các nền kinh tế phát triển, trong khi tuổi nghỉ hưu của phụ nữ làm công việc văn phòng là 55 và của phụ nữ làm việc trong nhà máy là 50.
Hai năm qua, các nhà hoạch định chính sách đã tuyên bố muốn tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng sự thay đổi này sẽ là lần đầu tiên. Các cơ quan y tế dự kiến, nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035, tương đương với toàn bộ dân số hiện tại của Anh và Mỹ cộng lại.
Michael Herrmann, cố vấn cấp cao của Quỹ Phát triển Dân số Liên hợp quốc cho biết, hầu hết các quốc gia đều tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với áp lực nhân khẩu học, nhằm bảo vệ quỹ hưu trí và làm chậm quá trình suy giảm lực lượng lao động.
Hiện, mỗi người Trung Quốc về hưu được hỗ trợ bởi sự đóng góp của 5 người lao động. Tỷ lệ này bằng một nửa so với một thập kỷ trước và đang có xu hướng tăng lên 4-1 vào năm 2030 và 2-1 vào năm 2050.
Các nhà kinh tế cho biết, hệ thống lương hưu hiện tại của Trung Quốc, vốn dựa vào lực lượng lao động đang giảm sút, để trả lương cho số lượng người về hưu ngày càng tăng là không bền vững và cần phải được cải cách.