Tiền thưởng, chế độ đãi ngộ cho vận động viên dự Olympic 2024: Thêm động lực chinh phục đỉnh cao
Ít ngày nữa Olympic Paris 2024 sẽ chính thức khai mạc tại Pháp. Lúc này, các vận động viên (VĐV) Việt Nam đã sẵn sàng bước vào những cuộc tranh tài.
Động lực thi đấu của họ được nâng lên khi nhận được những khoản treo thưởng, khoản thưởng và chế độ đãi ngộ từ trung ương, địa phương đến các liên đoàn thể thao, cá nhân, doanh nghiệp...
Nhiều hình thức động viên
Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ, mức thưởng cho VĐV giành Huy chương vàng (HCV) tại Olympic là 350 triệu đồng, giành Huy chương bạc (HCB) nhận 220 triệu đồng, giành Huy chương đồng (HCĐ) nhận 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu phá kỷ lục Olympic, VĐV được thưởng thêm 140 triệu đồng.
Đó là khoản thưởng "cứng". Ngoài ra, còn nhiều khoản thưởng khác từ đơn vị quản lý tại địa phương, ngành, liên đoàn thể thao quốc gia, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016 ở Brazil đã nhận được các khoản thưởng ước tính lên tới tiền tỷ. Trước Olympic 2024, một số doanh nghiệp, cá nhân, liên đoàn thể thao quốc gia đã công bố mức thưởng riêng. Ủy ban Olympic Việt Nam và Quỹ chiến lược thể thao quốc tế, Công ty TNHH Asong Invest (Hàn Quốc) công bố treo thưởng cho VĐV dự Olympic Paris 2024: VĐV giành HCV được thưởng 1 triệu USD, HCB 500.000 USD, HCĐ 200.000 USD.
Tại Olympic 2024, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam treo thưởng cho xạ thủ giành HCV là 500 triệu đồng, HCB 300 triệu đồng và HCĐ 200 triệu đồng. Liên đoàn Judo Việt Nam công bố mức thưởng là 500 triệu đồng, 300 triệu đồng và 200 triệu đồng tương ứng với 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ nếu tuyển thủ Hoàng Thị Tình giành được ở hạng 48kg nữ. Theo Chủ tịch Liên đoàn Judo Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, nếu VĐV giành được huy chương Olympic thì mức thưởng thêm chắc chắn sẽ lớn hơn mức thưởng đã công bố.
Thể thao Hà Nội có 2 tuyển thủ giành vé dự Olympic Paris 2024 là Hà Thị Linh (boxing nữ) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Theo quy định về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù với VĐV, HLV đạt thành tích cao của Thành phố Hà Nội được áp dụng từ đầu năm 2024, VĐV giành huy chương Olympic sẽ nhận đãi ngộ theo mức 74,5 triệu đồng/tháng khi giành HCV, 41 triệu đồng/tháng khi giành HCB, 33,5 triệu đồng/tháng khi giành HCĐ. Mức đãi ngộ này được thực hiện trong một chu kỳ Olympic (khoảng 4 năm liên tục). Đây là mức đãi ngộ kỷ lục với thể thao cả nước cũng như Hà Nội.
Cũng theo quy định trên, cả Hà Thị Linh và Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ nhận hỗ trợ, đãi ngộ 17 triệu đồng/tháng theo chu kỳ 4 năm kể từ khi Olympic Paris 2024 khởi tranh do đã giành vé trực tiếp tham dự Olympic.
May mắn sẽ đến với ai?
Cho đến lúc này, thể thao Việt Nam đã xác định danh sách 16 VĐV giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024, gồm Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi); Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông); Nguyễn Thị Thật (xe đạp); Hoàng Thị Tình (judo); Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing); Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng); Đỗ Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung); Phạm Thị Huệ (rowing); Nguyễn Thị Hương (canoeing); Trần Thị Nhi Yến (điền kinh); Trịnh Văn Vinh (cử tạ).
Việc giành vé dự Olympic Paris 2024 dù là trực tiếp hay đặc cách đều đáng trân trọng, dựa trên thành tích của họ. Tuy nhiên, những nhà quản lý và chính các HLV, VĐV dự Olympic Paris 2024 cũng hiểu rằng, giành vé đã khó, giành huy chương Olympic còn khó hơn nhiều, cần đến sự may mắn bên cạnh nỗ lực của bản thân VĐV. Cũng vì khó như vậy nên mức thưởng hay treo thưởng rất cao nhằm tiếp thêm động lực cho VĐV chinh phục tấm huy chương Olympic. Cũng phải kể thêm rằng, từ khi góp mặt ở sân chơi Olympic (từ năm 1980), thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.
Hiện tại, thực lực và chỉ số thành tích của 16 VĐV Việt Nam tham dự Olympic 2024 đều không ở mức có thể tranh chấp huy chương; các nhà quản lý, trong đó có Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, khá thận trọng khi đề cập đến khả năng giành huy chương tại kỳ Olympic tới. Thế nên, không ngẫu nhiên khi cựu HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung lại chọn cách treo thưởng cho thành tích lọt vào chung kết từng nội dung tham dự thay vì mức thưởng giành huy chương cho xạ thủ Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền.
Nắm bắt điều này, ngành Thể thao đã tạo điều kiện tối đa cho các VĐV tham dự Olympic Paris 2024. Từ cách đây hơn 1 tháng, lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã được đưa sang tập huấn tại Trung Quốc. Hai xạ thủ Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền đã đi tập huấn tại Hàn Quốc và hiện đang tập huấn ở Hungary để chuẩn bị cho Olympic Paris 2024. Còn hai võ sĩ Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) cũng đã lên đường tới Pháp từ đầu tháng này để làm quen với điều kiện thời tiết, sinh hoạt cũng như được tập luyện trong điều kiện tốt hơn hẳn so với khi ở Việt Nam...
Tất cả được kỳ vọng sẽ giúp VĐV Việt Nam đạt thành tích tốt nhất ở kỳ Olympic 2024 được dự báo là khó khăn với thể thao Việt Nam.