Đô thị

Điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt: Giúp người dân dễ tiếp cận, sử dụng

Tuấn Lương 22/07/2024 - 06:23

Nhằm phát huy hiệu quả loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến. Cùng với đó, Sở nghiên cứu bố trí làn dành riêng cho xe buýt tại các tuyến đường đủ điều kiện về hạ tầng, xây dựng các điểm trung chuyển lớn giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ…

xe-buyt.jpg
Xe buýt đón khách tại điểm đón trả khách trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều nơi vẫn khó tiếp cận dịch vụ xe buýt

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 65/75 bệnh viên, đạt 87%; 27/27 các khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 23/24 làng nghề, đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%. Đáng chú ý, xe buýt Thủ đô hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận, gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mật độ mạng lưới xe buýt rất cao nhưng chỉ tập trung ở các trục chính. Nhiều khu vực khó tiếp cận, cự ly đi bộ từ 500m đến 1.000m, thậm chí có khu vực trên 1,5km mới có xe buýt. Nguyên nhân là do nhiều tuyến đường không đủ điều kiện hạ tầng để chạy xe buýt khi mặt cắt ngang dưới 5m. Một số khu vực có mật độ dân cư tập trung cao nhưng lại khó tiếp cận dịch vụ xe buýt như: Đường Chiến Thắng (quận Hà Đông); đường Tân Triều (huyện Thanh Trì); Triều Khúc, Khương Trung, Khương Hạ (quận Thanh Xuân); khu vực Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm); ngõ Văn Chương, phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa)…

Rà soát, điều chỉnh sát với thực tiễn

Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của xe buýt, từng bước giảm trợ giá từ ngân sách, thời gian qua, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã cùng các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội xem xét điều chỉnh, từng bước hợp lý hóa luồng tuyến. Ở giai đoạn 1 (từ ngày 1-1-2024), Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, dừng hoạt động 5 tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp điều chỉnh tần suất dịch vụ với 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến. Các tuyến sau điều chỉnh tỷ lệ trợ giá/chi phí ước đạt 77% (trước điều chỉnh là 85%), giúp phí trợ giá giảm được khoảng 193 tỷ đồng/năm.

Là đơn vị chủ lực của thành phố trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, Transerco đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội rà soát biểu đồ chạy xe và thực hiện điều chỉnh giảm dịch vụ giai đoạn 1 cho 25 tuyến, nhánh tuyến từ ngày 1-1-2024 và dừng hoạt động 3 tuyến buýt từ ngày 1-4-2024. Cùng với đó, Transerco chủ động đề xuất thành phố điều chỉnh lộ trình 5 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ; điều chỉnh biểu đồ 34 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông chung của thành phố. Sau điều chỉnh, tỷ lệ hành khách/lượt xe tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm trước (không bao gồm khách sử dụng vé miễn phí).

Ở giai đoạn 2, dự kiến Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới theo 5 tiêu chí, gồm: Hệ số trùng lặp tuyến, hệ số đường không thẳng, tỷ lệ trợ giá so với chi phí, tỷ lệ trợ giá cho một hành khách, hệ số sử dụng sức chứa. Trên cơ sở đó, Sở sẽ xem xét điều chỉnh tăng dịch vụ khi các tuyến cải thiện về sản lượng và chất lượng dịch vụ; điều chỉnh lộ trình, dịch vụ, sức chứa, hoặc dừng hoạt động của tuyến khi xuất hiện các yếu tố mới phát sinh các công trình giao thông đã hoàn thiện, các tuyến đường sắt đô thị hoạt động cần điều chỉnh kết nối. Cùng với đó, Sở xem xét dừng hoạt động hoặc tổ chức lại tuyến buýt khi tuyến hoạt động không hiệu quả, tỷ lệ trợ giá chi phí cao, trùng lặp tuyến lớn, nhu cầu đi lại thấp khi các tuyến hết hạn thầu.

Phương án dự kiến đề xuất lộ trình giai đoạn 2 sẽ điều chỉnh dịch vụ đối với 14 tuyến buýt (6 tuyến điều chỉnh lộ trình, 7 tuyến điều chỉnh lộ trình và tần suất và 1 tuyến điều chỉnh tần suất).

Đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới xe buýt Thủ đô, thành phố đang nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng (ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mỗi hướng có mặt cắt ngang từ 15m trở lên) để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt. Trong đó, ngay trong năm 2025, cơ quan chức năng đề xuất thí điểm 3 đoạn, tuyến đường với tổng cộng khoảng 6,5km làn ưu tiên. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, đề xuất 12 làn ưu tiên với tổng chiều dài 56,5km… Cùng với đó xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn, tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe liên tỉnh…