Y tế

Chương trình tiêm chủng mở rộng không đạt tiến độ: Hiện hữu nguy cơ “dịch chồng dịch”

Thu Trang 21/07/2024 10:16

Hiện đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều và cũng là cao điểm mùa du lịch với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Đây là những điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm có xu hướng lây lan và gia tăng số mắc.

Trong khi đó, với những bệnh đã có vắc xin dự phòng thì tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng lại không đạt tiến độ đề ra. Chính vì vậy, nguy cơ “dịch chồng dịch” luôn hiện hữu.

phun-thuoc-phong-dich-sot-xuat-huyet-tren-dia-ban-phuong-hang-buom-quan-hoan-kiem-.-anh-nguyen-quang.jpg
Phun thuốc phòng dịch sốt xuất huyết trên địa bàn phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Nguyễn Quang

Nỗi lo sốt xuất huyết, sởi, ho gà bùng phát

Theo Bộ Y tế, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, hiện nay, một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, ho gà, sởi đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố. Riêng với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 24,8 nghìn ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết đều giảm, nhưng với thời tiết nắng nóng kèm theo mưa như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh.

Ngay tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7-2024 đã gia tăng hơn tháng 6 trước đó. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trong tháng 6-2024 là 30-80 ca/tuần thì đến đầu tháng 7 đã tăng lên 100-120 ca/tuần. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận rải rác 1-2 ổ dịch sốt xuất huyết/tuần. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, số ổ dịch mới đã tăng lên nhanh chóng. Trong tuần đầu tháng 7 có thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết tại 7 quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm và Thạch Thất.

Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi, ho gà cũng diễn biến phức tạp do lỗ hổng “miễn dịch”. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, ho gà đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) là 55,7% (trong khi chỉ tiêu được giao là từ 80% trở lên). Đây cũng là loại vắc xin có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số 10 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong năm 2023 là 82% (chỉ tiêu từ 90% trở lên); tỷ lệ tiêm vắc xin sởi - rubella là 86% (chỉ tiêu từ trên 95%). Riêng 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc xin đều chưa đạt tiến độ, trong đó có vắc xin sởi - rubella.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng mới có đánh giá về nguy cơ dịch sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, 7/63 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước và Kiên Giang có nguy cơ rất cao; 7 tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương và Cà Mau có nguy cơ cao. Ngoài ra, 9 tỉnh khác có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh, thành phố nguy cơ thấp.

“Tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin quay trở lại. Hơn nữa, vi rút sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng. Do đó, khi tiêm phòng không đúng, không đủ, chỉ cần một vài ca bệnh xuất hiện thì nguy cơ sẽ lây lan thành dịch”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.

Còn tại Hà Nội, bệnh ho gà vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Theo CDC Hà Nội, trong 2 tuần đầu tháng 7-2024 đã ghi nhận 23 ca mắc ho gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 173 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

Lấp khoảng trống miễn dịch

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị, các quận, huyện, thị xã cần tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao. Đồng thời, duy trì thường xuyên hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy để thực hiện có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm thực hiện diệt bọ gậy ít nhất mỗi tuần một lần. Cùng với đó, rà soát tình hình tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng rất lo ngại về việc gia tăng các ca bệnh sởi ở một số tỉnh, thành phố của nước ta và khả năng bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là trong năm học mới sắp tới khi trẻ đi học trở lại.

Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cần thực hiện những hành động y tế công cộng khẩn cấp. Trong đó, thực hiện một chiến dịch tiêm chủng nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận tất cả trẻ em đã bỏ lỡ tiêm chủng thường xuyên thời gian qua và thu hẹp khoảng cách về miễn dịch.

Hiện, Bộ Y tế đang tìm nguồn vắc xin để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin chứa thành phần sởi tại 14 tỉnh, thành phố; trong đó, tại miền Bắc sẽ tiêm cho các trẻ 1-10 tuổi. Còn tại miền Nam sẽ tiêm cho các trẻ trong độ tuổi khác nhau theo từng địa phương, bao gồm các trẻ 6-10 tuổi, từ 9 tháng đến 5 tuổi, từ 11 tháng đến 7 tuổi và 3-10 tuổi. Tại Tây Nguyên, tiêm cho nhóm trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi. Với chiến dịch này cần khoảng 100.000 liều vắc xin sởi và 1,58 triệu liều vắc xin phối hợp sởi - rubella. Đây là giải pháp khắc phục khoảng trống miễn dịch và tình trạng “nợ miễn dịch” nhằm ngăn chặn “dịch chồng dịch”.