Chính trị

Phát huy tinh thần “tự soi”, “tự sửa” của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Tổng Bí thư

GS.TS Trần Văn Phòng 20/07/2024 - 19:56

Thực hiện tốt những giải pháp này, chúng ta sẽ phát huy trên thực tế tinh thần “tự soi”, “tự sửa” theo tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

tb-1.jpeg
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9-12-2021. Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định của Đảng, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình[1].

Mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi”, “tự sửa” lại mình

“Tự soi” được hiểu là tự mình nhìn nhận, đánh giá, nhận xét về chính bản thân mình nhằm chủ động phát hiện sai phạm, yếu kém, hạn chế của mình, từ đó tìm ra nguyên nhân của những sai phạm, yếu kém, hạn chế này. “Tự sửa” được hiểu là tự mình chủ động tìm các giải pháp khắc phục những nguyên nhân làm nảy sinh những sai phạm, yếu kém, hạn chế của bản thân mình.

Cụ thể là tự điều chỉnh khiếm khuyết, tự gột rửa cái xấu, tự phát huy cái tốt làm cho mình tốt hơn. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình, tự kiểm điểm và chủ động tự xây dựng mình về đạo đức. Do vậy, “tự soi” có quan hệ mật thiết với “tự sửa”. Bởi lẽ, nếu “tự soi” mà không “tự sửa” thì vô nghĩa, ngược lại, “tự sửa” đòi hỏi “tự soi” phải nghiêm túc, khách quan, trung thực, thường xuyên, chân thành.

“Tự soi”, “tự sửa” theo tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư rất gần gũi với nguyên tắc “đối với mình” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”[2]. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”[3]. Rõ ràng là người cán bộ, đảng viên trong “đối với mình” thì phải “tự soi”, “tự sửa” thật tốt.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu “Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can”[4]. Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư cũng đòi hỏi công tác “tự soi”, “tự sửa” cần được tổ chức thực hiện thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất, tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ[5]. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi”, “tự sửa” lại mình; đơn vị mình và gia đình mình.

Kịp thời nhận diện được những yếu kém, khuyết điểm

Vậy làm thế nào để “tự soi”, “tự sửa” của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư đạt hiệu quả, thiết thực?

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về “tự soi”, “tự sửa”. “Tự soi”, “tự sửa” như đã phân tích ở trên, thực chất là thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình trong Đảng. “Tự soi”, “tự sửa” đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trau dồi, thấm nhuần đạo đức cách mạng. Bởi lẽ, như Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”[6].

h-1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng", ngày 10-9-2021. Ảnh: TTXVN

Nếu mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” sẽ kịp thời nhận diện được những yếu kém, khuyết điểm, những lệch chuẩn và nguy cơ lệch chuẩn trong bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của bản thân để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh sai lệch, khắc phục hạn chế, yếu kém, phát huy những ưu điểm, thế mạnh. Trên cơ sở đó ngăn ngừa nguy cơ sai lầm, khuyết điểm, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[7].

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải dũng cảm, trung thực, chân thành, khách quan trong thực hành “tự soi”, “tự sửa”. “Tự soi”, “tự sửa” là công việc tự xem xét, tự đánh giá, nhận xét về bản thân mình. Do vậy, để “tự soi”, “tự sửa” đạt kết quả thiết thực thì mỗi cán bộ, đảng viên phải dũng cảm, trung thực, chân thành, khách quan. Dũng cảm dám nhận ra những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Nếu không có lòng dũng cảm, tính trung thực, sự chân thành và tinh thần khách quan thì khó mà “tự soi”, “tự sửa” đạt kết quả.

Đúng như Bác Hồ đã nhắc nhở “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”[8]. Chúng ta đều rõ, chỉ có tấm lòng chân thành thì khi “tự soi” rồi mới “tự sửa” tốt được. Vì “tự soi” là để “tự sửa” cho tiến bộ, chứ không phải “tự sửa” cho nó có. Khi tìm những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm thì phải trung thực, không trung thực sẽ không “bắt trúng bệnh” được dù có “soi” đi “soi” lại. Trung thực gắn liền với khách quan, khi “tự soi” không được tô hồng và cũng không được bôi đen. Nếu “tự soi” mà tô hồng sẽ lạc quan tếu, xa vào tự kiêu, tự đại, phớt lờ dư luận, coi thường góp ý của đồng chí, đồng đội, của quần chúng, không cố gắng, tích cực phấn đấu, rèn luyện. Như vậy thì cuối cùng cũng không thể trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức được.

Ngược lại nếu “tự soi” mà bôi đen sẽ rơi vào bi quan, chán nản, tiêu cực, tự ti. Điều này cũng không đúng và dần sẽ triệt tiêu mất động lực phấn đấu vươn lên của người “tự soi”, “tự sửa”. Điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành “tự soi”, “tự sửa” thường xuyên, liên tục như Hồ Chủ tịch thường nói “Ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”[9].

Thứ ba, người đứng đầu, người chủ trì cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, tự giác nêu gương trong thực hành “tự soi”, “tự sửa”. Chúng ta đều rõ, như Hồ Chủ tịch đã nêu với đồng chí Tổng thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[10].

Do vậy, đối với các đồng chí cán bộ, đảng viên cũng vậy, trong thực hành “tự soi”, “tự sửa” thì nhất thiết người đứng đầu, người chủ trì cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, tự giác nêu gương thực hành. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Quy định này cũng nêu rõ cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương, trong đó có nêu gương trong “tự soi”, “tự sửa”. Thực tế cho thấy sự nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng. Đúng như Hồ Chủ tịch đã từng nhắc nhở “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[11]. Ở đây, người đứng đầu, người chủ trì cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hành “tự soi”, “tự sửa”, trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện “tự soi”, “tự sửa”. Chỉ có như vậy thì công tác “tự soi”, “tự sửa” mới được thực hiện thiết thực, có hiệu quả.

Thứ tư, phát huy dân chủ trong “tự soi”, “tự sửa”. Khi nói “tự soi”, “tự sửa” không có nghĩa đây là công việc riêng của cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên mà thực chất là công việc của tập thể cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị nhưng cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên là chủ thể chủ động, tích cực, tự giác. Do vậy, trong “tự soi”, “tự sửa” cũng phải phát huy dân chủ. Phát huy dân chủ ở đây chính là phát huy vai trò chủ động, tự giác, tích cực của từng cá nhân cán bộ, đảng viên và của cả tập thể trong “tự soi”, “tự sửa”.

Phát huy dân chủ ở đây còn là phát huy vai trò của tập thể trong lắng nghe việc “tự soi”, “tự sửa” của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên; trong góp ý chân thành, khách quan của tập thể vào kết quả “tự soi”, “tự sửa” của mỗi đồng chí; trong việc tạo môi trường, cơ hội, điều kiện cho mỗi đồng chí mình kịp thời uốn nắn, điều chỉnh sai lệch, khắc phục hạn chế, yếu kém, phát huy những ưu điểm, thế mạnh cá nhân. Phát huy dân chủ còn có nghĩa là phải dựa vào quần chúng nhân trong cơ quan, đơn vị để “tự soi”, “tự sửa”, bằng cách lắng nghe góp ý của nhân dân, lắng nghe dư luận của quần chúng để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh sai lệch nếu có, phát huy ưu điểm.

Những giải pháp trên phải được thực hiện đồng bộ mới mang lại hiệu quả, thiết thực trong “tự soi”, “tự sửa”. Thực hiện tốt những giải pháp này thì chúng ta sẽ phát huy trên thực tế tinh thần “tự soi”, “tự sửa” theo tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

GS.TS Trần Văn Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh



[1] Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.385.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.6, tr.130.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011 tập 8, tr.98.

[4] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.385.

[5] Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.385-386.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.611.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.622.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.80.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.82.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.284.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.16.