Xã hội

Những ngày trầm lắng ở làng Lại Đà

Đỗ Minh 20/07/2024 19:50

Không khí làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội trầm lắng, u buồn kể từ khi người dân nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người con ưu tú của quê hương từ trần (chiều 19-7). Những giọt nước mắt, những câu chuyện về Tổng Bí thư được người dân nơi đây kể lại với niềm đau thương xen lẫn tự hào.

02b9b7b881d724897dc6.jpg
Cổng làng Lại Đà, xã Đông Hội - nơi sinh ra và lớn lên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đỗ

"Làng Lại Đà như mất đi một người thân trong gia đình"

Sáng 20-7, mưa lúc nặng hạt, lúc thưa thớt như những giọt nước mắt của người dân làng Lại Đà - nơi sinh và lớn lên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngay từ sáng sớm, người dân trong làng đã dâng hương, hoa tại đền, đình, chùa…, rồi dọn dẹp phong quang đường làng, ngõ xóm.

Phía trước cổng làng Lại Đà để một áng hương nhỏ, người dân nơi đây gọi là đền Nghè hoặc đền Trình. Bà Nguyễn Thị Đỉnh (76 tuổi, xóm Bắc Sơn, làng Lại Đà, xã Đông Hội) - người được giao trông nom hương khói tại đây nghẹn ngào nói: "Chúng tôi lau dọn đền, dâng hoa tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là khu vực Trạng nguyên Nguyễn Hiền đã dừng chân trước khi lập đình Lại Đà".

“Mỗi lần về thăm quê, Tổng Bí thư và gia đình dâng hương đầu tiên ở đây, rồi mới về nhà. Giờ chúng tôi không còn thấy bóng lưng người nơi đây nữa…”, gạt những giọt nước mắt, bà Đỉnh chia sẻ.

76c1b99a9cf539ab60e4.jpg
Bà Nguyễn Thị Đỉnh tại khu vực đền Nghè đầu làng - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương mỗi lần về quê. Ảnh: Minh Đỗ

Theo lời bà Đỉnh, "từ chiều qua (19-7), sau khi nghe tin Tổng Bí thư đã trút hơi thở cuối cùng, mọi người trong làng Lại Đà bàng hoàng, buồn thương như mất đi một người thân trong gia đình. Chúng tôi thẫn thờ, chẳng còn làm được việc gì, cứ nghĩ đến Tổng Bí thư là lại khóc vì thương, vì xót xa cho một người ưu tú như vậy”, bà Đỉnh nói.

Bà Đỉnh kể với phóng viên Báo Hànộimới: "Nhà tôi cách nhà Tổng Bí thư một nhà. Nhiều lần Tổng Bí thư về thăm nhà, tôi có gặp nhưng ngại, vì nghĩ là lãnh đạo cấp cao, gặp rồi chẳng biết nói sao, nhưng cứ hễ gặp tôi cúi đầu đi Tổng Bí thư lại gọi, hỏi han về cuộc sống, sức khỏe. Là lãnh đạo cấp cao nhưng Tổng Bí thư giản dị, dễ gần, chẳng có quan cách, xa lạ mà thân mật như những người hàng xóm “tắt lửa tối đèn” thời xưa. Trở về trước nữa, từ cái thời cầu Đông Trù chưa được xây, dân làng chúng tôi phải đi đò, tôi nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư lúc ấy mới ở Liên Xô về với chiếc xe đạp, vui vẻ hỏi thăm mọi người và còn trả cả tiền đò giúp tôi. Từ hôm qua, tôi cứ hồi tưởng lại những kỷ niệm đó".

c375218c03e3a6bdfff2.jpg
Bà Lương Thị Thanh, xóm Bắc Sơn, làng Lại Đà ứa nước mắt khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đỗ

Cặm cụi cắm từng lọ hoa, bà Lương Thị Thanh, ở xóm Bắc Sơn, làng Lại Đà ứa nước mắt nói, nếu theo dòng họ, bà là cháu dâu của Tổng Bí thư. Từ hôm qua đến nay, người trong gia đình, dòng họ đều buồn đau, xót xa khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần.

“Nhiều năm gần đây, dâu trong họ được ra dự lễ giỗ tổ họ (14 tháng Chạp âm lịch hằng năm), có vài lần tôi được gặp, Tổng Bí thư gần gũi nói chuyện, hỏi han mọi người nhẹ nhàng như chính con người bác vậy”, bà Thanh nói.

Chúng tôi tới đình Lại Đà, chính quyền và người dân nơi đây đang tất bật, mỗi người một việc chuẩn bị sẵn sàng cho việc lớn của làng. Đình làng Lại Đà là nơi thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền thời nhà Trần đỗ đạt năm mới 13 tuổi, có nhiều công trạng được lưu truyền trong sử sách, là Thành hoàng làng. Ngôi đình vững chãi, có mái đao cong vút mềm mại cùng những nét kiến trúc độc đáo, khác biệt so các đình làng trong vùng, cổng đình mang biểu tượng hai tháp bút.

Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà Nguyễn Phú Việt, cho biết: “Các cụ trước đây thiết kế như vậy hàm ý nhắc nhở thế hệ con cháu nuôi chí hiếu học, lấy nhân văn làm trọng, lập thân thành tài để sau này giúp dân, giúp nước. Và đất này đã sinh ra và nuôi lớn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một học trò xuất sắc của Bác Hồ, một người con ưu tú của thôn Lại Đà, xã Đông Hội chúng tôi”.

c7b1f365170bb255eb1a.jpg
Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà Nguyễn Phú Việt chia sẻ những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đỗ

Ông Nguyễn Phú Việt kể: "Tôi gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chú. Tôi cũng may mắn nhiều lần được gặp Tổng Bí thư. Tại chính ngôi đình Lại Đà này, Tổng Bí thư với đôi dép lê, bộ quần áo giản dị cùng ngồi dưới đất với người dân ăn giỗ họ hay hội làng. Dù không thường xuyên, do bận việc nước, nhưng hễ về, có thời gian, Tổng Bí thư lại đến với dân, với họ hàng và không quên một ai trong họ, cứ gặp là cười trìu mến rồi hỏi thăm, cùng người dân, họ hàng ôn lại những câu chuyện cũ…".

Mỗi người một việc, tất bật trong lặng lẽ...

Tất bật trong lặng lẽ, mỗi người một việc, đôi mắt nặng trĩu, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà Nguyễn Phú Việt chia sẻ, chính quyền và người dân nơi đây đã chuẩn bị sẵn sàng để người dân dự Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà - xã Đông Hội, huyện Đông Anh cùng thời gian tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Nhà văn hóa thôn Lại Đà, ngay sát ngôi đình làng sẽ là nơi lập ban thờ để người dân đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Tổng Bí thư. Mỗi người một việc, trong tiếng kinh cầu mong Chân linh Tổng Bí thư thượng phẩm, thượng sinh.

f13c65285e47fb19a256.jpg
Chị Lương Thị Lan Phương, Bí thư Chi đoàn thôn Lại Đà chia sẻ những cảm xúc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đỗ

Chị Lương Thị Lan Phương, Bí thư Chi đoàn thôn Lại Đà cho hay, sinh ra tại thôn Lại Đà và đã từng được gặp Tổng Bí thư, trong tâm trí của chị, Tổng Bí thư là một người giản dị, mộc mạc và gần gũi, chăm lo, quan tâm đến mọi người dân trong thôn. Đối với thế hệ trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo, phấn đấu trở thành một công dân có ích cho xã hội. "Tôi rất tự hào là người con Lại Đà - quê hương của Tổng Bí thư", chị Phương nói.

Những giọt mồ hôi của thế hệ trẻ, những giọt nước mắt của những cụ già, trưởng lão trong làng đã nói lên tình cảm của người dân nơi đây với Tổng Bí thư - một người con ưu tú của quê hương.

c95217f62a998fc7d688.jpg
Ông Vương Khắc Kha trầm ngâm, thẫn thờ nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đỗ

Trước cửa sân đình Lại Đà, ông Vương Khắc Kha, xóm 6 trầm ngâm điếu thuốc, nhớ lại: "Tôi hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 6 tuổi, những câu chuyện về Tổng Bí thư luôn dâng lên trong tôi một lòng mến kính. Khi nghe tin trái tim Tổng Bí thư ngừng đập, tôi thấy đau xót, vì ông là người lãnh đạo hiếm có, người con ưu tú, giản dị, gần gũi của quê hương chúng tôi. Có lần làng Lại Đà tổ chức giỗ Thánh tại chính ngôi đình này, Tổng Bí thư ngồi lá chuối dưới sân đình trò chuyện với người dân, rồi thong thả đi bộ từ đình làng về, không xe đón, xe đưa”.

Bao trùm cả ngôi làng cổ bên bờ sông Hồng là không khí trầm lắng. Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội (huyện Đông Anh) Lê Thế Chuyên cho biết, hiện nhân dân xã đang cùng nhau dọn dẹp cảnh quan khu nhà của Tổng Bí thư thời niên thiếu cùng gia đình; cả đình làng và Nhà văn hóa thôn. Không ai bảo ai, tất cả đều muốn góp sức để mọi thứ được trang trọng, đón Tổng Bí thư trở về.

322130bf0fd0aa8ef3c1.jpg
Người dân dọn sạch sẽ khu vực Nhà văn hóa thôn Lại Đà. Ảnh: Minh Đỗ

Còn Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên trầm ngâm khi chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: "Đây là mất mát to lớn của dân tộc, đặc biệt là với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Hội và huyện Đông Anh. Trong suốt cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình yêu và niềm tin lớn cho huyện. Đây là nguồn động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh nỗ lực vươn lên, tiếp bước của Tổng Bí thư".