Y tế

Chấn thương sọ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Thu Trang 20/07/2024 - 17:48

Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 65 triệu người bị chấn thương sọ não và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Ngày 20-7, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam tổ chức khóa đào tạo chuyên ngành ngoại thần kinh-cột sống với chủ đề “Cấp cứu thần kinh-cột sống” dành cho bác sĩ và điều dưỡng các bệnh viện khu vực miền Bắc.

quang-canh-khoa-dao-tao.jpg
Khóa đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thu Trang

Tại đây, các chuyên gia ngành phẫu thuật thần kinh đã trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức liên quan đến việc chẩn đoán và xử trí phình mạch não vỡ; xử trí vết thương sọ não; tai biến mạch máu não; nhận định, cấp cứu và chăm sóc người bệnh đột quỵ; não úng thủy ở trẻ; chấn thương cột sống cổ kiểu giọt lệ; chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống có liệt…

Với bài trình bày về khám cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân chấn thương sọ não, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cho biết, trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 65 triệu người bị chấn thương sọ não, trong đó tỷ lệ bệnh nhân chiếm nhiều nhất ở những nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, trung bình một ngày có 3 người tử vong do chấn thương sọ não. Từ đầu năm 2024 đến ngày 18-6, tại bệnh viện này có 677 trường hợp tử vong, trong đó chấn thương sọ não chiếm hơn 90%.

cham-soc-benh-nhan(1).jpg
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thu Trang

Các nguyên nhân thường gặp nhất của chấn thương sọ não là tai nạn giao thông (chiếm khoảng 70%), tai nạn đi bộ với các phương tiện khác, chấn thương do bị thương, do bị đâm và bị ngã do tai nạn trong sinh hoạt, thể thao…

“Khả năng phục hồi của người bệnh chấn thương sọ não ở nước ta kém hơn ở những nước phát triển do rất nhiều lý do, như: Sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển điều trị và phục hồi chức năng. Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não, 10 phút đầu tiên được gọi là “thời gian kim cương” để sơ cứu, cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đủ lực lượng đến tận hiện trường cấp cứu nạn nhân”, PGS.TS Đồng Văn Hệ thông tin.

Thông qua khóa đào tạo này, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện các tuyến đã được nâng cao trình độ chuyên môn trong việc chẩn đoán, xử trí, điều trị và chăm sóc bệnh nhân thuộc chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, cột sống, từ đó nhằm giảm tỷ lệ tử vong, biến chứng, đưa người bệnh trở về cuộc sống bình thường.