Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đối với các dân tộc thiểu số
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 về những nội dung quan trọng này.
- Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện vừa qua?
- Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc để Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện đạt kết quả tốt, tiến tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ IV năm 2024, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Thông tư số 08-TT/TU ngày 14-3-2024 về việc lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp thành phố lần thứ IV năm 2024. Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 1579/QĐ-UBND ngày 25-3-2024 thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố.
Ban Chỉ đạo Đại hội thành phố đã có văn bản hướng dẫn chi tiết mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, thành phần, nội dung Đại hội, các bước chuẩn bị… làm cơ sở để cấp huyện triển khai một cách đồng bộ. Đồng thời, thành lập Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội, qua đó đã định hướng báo cáo chính trị, yêu cầu đánh giá một cách thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được mong mỏi của đồng bào dân tộc thiểu số, lựa chọn nội dung cốt lõi để Đại hội tập trung thảo luận; giải đáp một số vướng mắc của địa phương.
Tháng 6-2024, các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tính chất đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ tình cảm, niềm tin của các dân tộc với Đảng, Bác Hồ. Tôi tin đây là kết quả quan trọng nhất.
Kết quả tiếp theo là Đại hội đã đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực của công tác giảm nghèo. Các mô hình tốt về kinh tế, văn hóa, xã hội do chính đồng bào và các địa phương thực hiện được trình bày tại Đại hội nên các đại biểu dự Đại hội thấy gần gũi, có thể học tập và làm theo.
Qua Đại hội, lòng tự tôn của từng dân tộc, từng hộ gia đình được khơi dậy, tạo bước chuyển biến mới. Sự phấn đấu giảm nghèo bằng năng lực nội sinh của người dân tộc thiểu số tăng lên. Những tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được khen thưởng, động viên kịp thời.
Kết quả thứ ba, thông qua Đại hội, nhận thức của hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc được nâng lên. Sự đồng thuận cao, quan tâm chăm lo đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sự phát triển ở vùng dân tộc, miền núi của lãnh đạo các cấp, sự chỉ đạo quyết liệt trong bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là những minh chứng thuyết phục.
Với những kết quả đó, tôi khẳng định, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Việc tổ chức thành công Đại hội của các huyện sẽ giúp cho Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội thành phố có nhiều kinh nghiệm để tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 thành công.
- Từ kết quả đó, Ban Dân tộc thành phố có những kiến nghị gì đối với công tác dân tộc của thành phố thời gian tới, thưa đồng chí?
- Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Kế hoạch số 182/KH-UBND của UBND thành phố về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND thành phố về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, chúng tôi đề nghị Thành ủy quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc; nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
HĐND thành phố tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện có xã dân tộc, miền núi thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực, ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho dự án, đề án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 và Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 22-2-2024 của UBND thành phố Hà Nội.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, sớm có chỉ đạo, định hướng công tác xây dựng chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2025-2030. Cùng với đó là cơ chế, quy định phù hợp đối với các địa phương tự cân đối ngân sách.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách dân tộc kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, sát thực tiễn, dễ triển khai thực hiện. Về hệ thống chính sách dân tộc phải đồng bộ, rõ ràng, tránh chồng chéo.
Về bộ máy quản lý, đề nghị Trung ương điều chỉnh hệ thống văn bản tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc có sự đồng bộ, thống nhất. Quan tâm bố trí biên chế cho đầu mối phụ trách công tác dân tộc ở cấp huyện và xã.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm trình Chính phủ phê duyệt công nhận thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ thành phố Hà Nội là thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước và thực hiện các chính sách bảo đảm đầy đủ, kịp thời.
- Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024?
- Từ nay đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 còn rất nhiều việc phải làm. Các văn kiện trình Đại hội, đặc biệt là Báo cáo chính trị phải được chuẩn bị nghiêm túc, đánh giá đúng, khách quan, toàn diện kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu; chỉ rõ thành tựu đạt được để rút ra ưu điểm. Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm để từ đó lựa chọn được những nội dung quan trọng cần thực hiện trong nhiệm kỳ, làm cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV có cơ sở vững chắc mang lại thành công lớn.
Theo kế hoạch, thời gian tổ chức Đại hội trong 2 ngày, dự kiến vào cuối tháng 10-2024 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Về đại biểu chính thức, đại biểu khách mời và cơ cấu đại biểu thực hiện theo Hướng dẫn số 1302/UBDT-DTTS ngày 27-7-2023 của Ủy ban Dân tộc.
Hiện nay các công việc chuẩn bị cho tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ IV năm 2024 bảo đảm tiến độ, bám sát Thông tri số 16-TT/TU ngày 14-3-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp thành phố lần thứ IV năm 2024.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!