Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024): Mốc son của ngoại giao Việt Nam
Sau 75 ngày đàm phán với 31 phiên họp song phương và đa phương, vào ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết.
Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hiệp định này là thắng lợi vô cùng quan trọng và là mốc son của ngành ngoại giao Việt Nam, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Geneva là hội nghị quốc tế đa phương lớn đầu tiên Việt Nam tham dự để đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với sự tham gia trực tiếp của các cường quốc. Trong lần tham dự này, ngoại giao cách mạng Việt Nam đã khẳng định tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, vị thế của một quốc gia có độc lập, chủ quyền và yêu chuộng hòa bình.
Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Geneva bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng cùng trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Geneva là kết tinh thành quả đấu tranh gian khổ và hy sinh to lớn của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngay sau khi ký kết hiệp định, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Hội nghị Geveva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Trên thực tế, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do, thì với Hiệp định Geneva, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam, là thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược.
Trong một bài viết được báo Resumen Latinoamericano của Argentina xuất bản ngày 19-7, thành công của Hiệp định Geneva đã được nhắc lại: “Cách đây 70 năm, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp và các cường quốc phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là thắng lợi trong cuộc đấu tranh ngoại giao vững vàng, đầy dũng khí và tự tin của Việt Nam để bảo vệ công lý và lợi ích dân tộc”.
Tờ báo dẫn lời của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng, đàm phán Geneva thể hiện một cuộc đấu tranh ngoại giao vững chắc, bền bỉ nhưng cũng mềm mỏng, linh hoạt tùy theo tương quan lực lượng. Vào thời điểm đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định lựa chọn đình chiến và chấp nhận giải pháp ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và tổng khởi nghĩa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 21 năm sau đó.
Bài báo khẳng định chiến thắng của việc đạt được Hiệp định Geneva cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện khát vọng hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu của nhân dân Việt Nam cũng như sự đúng đắn trong tư duy ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đó hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Nhìn chung, Hiệp định Geneva là thắng lợi mang ý nghĩa thời đại, bởi đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và 3 nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức. Hiệp định này cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
70 năm đã trôi qua, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Geneva vẫn là dấu ấn đặc biệt của nền ngoại giao Việt Nam trong thế kỷ XX. Ngày nay, khi đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế, cùng với việc phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong lịch sử nói chung và kinh nghiệm chỉ đạo đấu tranh đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng vẫn mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc.