Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm sâu sắc đến phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới
Trong những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm sâu sắc đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư đã có nhiều chỉ đạo giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên, nhân dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển văn hóa đất nước. Báo Hànộimới ghi những ý kiến của các nhà trí thức, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ về nội dung này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư là nguồn cảm hứng để toàn xã hội quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời - nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, gia đình và quê hương nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành tình yêu sâu sắc đối với văn hóa, đặc biệt là văn hóa Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Việt Nam.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội, đặc biệt sau Đại hội Đảng XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Những chỉ đạo này nhấn mạnh việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của Thủ đô, đồng thời khuyến khích tiếp tục đổi mới và sáng tạo để phù hợp với thời đại mới. Những thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư như “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn!” đã là nguồn cảm hứng để toàn xã hội quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa nước nhà.
Trong các phát biểu của mình, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh: “Hà Nội phải là điểm hội tụ và lan tỏa văn hóa, là tấm gương sáng cho cả nước noi theo”. Ông đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn các di sản văn hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình văn hóa mới, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ, việc phát triển văn hóa Thủ đô cần phải gắn liền với chính trị và kinh tế. Ông kêu gọi các cấp, ngành cùng phối hợp để xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế. Chỉ đạo này định hướng Hà Nội không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, từ giáo dục cho đến nghệ thuật, từ truyền thống đến hiện đại.
Sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển văn hóa Thủ đô còn được thể hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Ông đã thể hiện tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc dành cho văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội. Trong những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích họ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại.
Tổng Bí thư mất đi, cả nước tiếc thương một con người vĩ đại, cả cuộc đời tận hiến vì nước, vì dân, nhưng những chỉ đạo, động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang là kim chỉ nam quan trọng để nhân dân Hà Nội tiếp tục phát triển, đổi mới và giữ vững vị thế của mình trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội:
Cuốn sách thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng của Tổng Bí thư về phát triển văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật Thủ đô và đất nước
Tôi đã rất vinh dự được tham dự lễ ra mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, vào ngày 21-6 vừa qua. Cuốn sách dày hơn 900 trang, thể hiện rõ tâm huyết, sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật nước nhà. Những bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... trong cuốn sách toát lên tầm hiểu biết sâu rộng của Tổng Bí thư đến từng loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập. Tổng Bí thư cũng vô cùng quan tâm và chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà, luôn dành tình cảm ấm áp, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng.
Không chỉ biểu dương, khen ngợi, Tổng Bí thư còn nêu những bài học sâu sắc, những dẫn chứng sinh động trong nước và quốc tế về sáng tạo, khát vọng và lý tưởng sáng tạo để gợi mở cho văn nghệ sĩ, trí thức trong quá trình nghiên cứu, gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật nước nhà, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chắc chắn, đây là cuốn cẩm nang quý giá, là kim chỉ nam để các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên, những người làm văn hóa và văn nghệ sĩ triển khai hiệu quả, thiết thực nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong cuốn sách có nhiều bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức trên mọi miền của Tổ quốc. Tôi đã dừng lại rất lâu trước những bức ảnh Tổng Bí thư trong các dịp gặp mặt trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ; dự các kỳ Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và đặc biệt là tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2023). Sự thân thiết, chân tình và những lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà đã truyền nhiệt huyết và quyết tâm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới.
TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long:
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết cho văn hóa Việt Nam
Trong cả cuộc đời, sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Ông đã có nhiều bài viết, bài phát biểu khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi nhớ rất rõ, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Bài phát biểu tâm huyết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục nhận được những tràng vỗ tay của đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Các đại biểu cảm nhận rõ tình cảm đặc biệt của Tổng bí thư dành cho văn hóa, tình yêu của Tổng Bí thư đối với văn nghệ sĩ, với văn nghệ qua những bài thơ dài ông đọc như “Chân quê” của Nguyễn Bính, “Việt Bắc” của Tố Hữu…
Là một người Hà Nội, ông hiểu rất rõ những vấn đề văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Ông luôn nhắc nhở Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, Hà Nội phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở, với Hà Nội phải hết sức chú ý vấn đề văn hóa, giữ gìn bằng được những di sản văn hóa cha ông để lại, rất nhiều công trình và truyền thống quý báu. Ông luôn khẳng định Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Là một người lãnh đạo kiên trung, một đời vì nước, vì dân, vì sự phát triển văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều công trình văn hóa, nhiều cuốn sách tâm huyết về văn hóa Việt Nam. Mới đây, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt cán bộ, đảng viên, Nhân dân cả nước. Cuốn sách đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là cuốn cẩm nang quý báu giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới.