Sông Hoàng Phố - biểu tượng cho sự phồn thịnh của Thượng Hải
Trải dài 113km với chiều rộng trung bình 400m và độ sâu 9m, Hoàng Phố được ví như “dòng sông mẹ” của Thượng Hải.
Đây không chỉ là một tuyến đường thủy quan trọng kết nối với sông Dương Tử và biển Hoa Đông, mà còn là biểu tượng cho sự phồn thịnh của thành phố cảng năng động, sầm uất nhất Trung Quốc.
Với vai trò quan trọng của một thành phố cảng lớn, từ đầu thế kỷ XIX đến trước năm 1948, Thượng Hải đã bị các đế quốc phương Tây và Nhật Bản nhòm ngó và xâm chiếm, lập ra các khu “Tô giới” dưới hình thức nhượng địa, khu vực mà người phương Tây được hưởng mọi đặc quyền đặc lợi, được bảo hộ bằng pháp luật của bản quốc và sống cuộc sống đầy đủ như ở chính quốc. Thời kỳ này, Thượng Hải chủ yếu phát triển về phía Tây sông Hoàng Phố với nhiều tòa nhà chịu ảnh hưởng bởi kiến trúc Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản. Ngoài ra, hơn một trăm cảng lần lượt được xây dựng dọc theo con sông, giúp mở cửa thành phố với thế giới bên ngoài.
Năm 1990, tức là 42 năm sau khi Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc giành quyền kiểm soát Thượng Hải trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ, sự phát triển của thành phố mới bắt đầu có bước ngoặt khi chính quyền quyết định xây dựng bờ phía Đông, lấy sông Hoàng Phố làm trung tâm. Các tòa nhà mang tính biểu tượng, chẳng hạn như Tháp Ngọc Phương Đông và Tháp Kim Mậu, lần lượt mọc lên. Cùng với đó, khu tài chính Lục Gia Thủy bao gồm một số lượng lớn trung tâm thương mại phức hợp cao cấp như Tháp Thượng Hải và các tòa nhà chọc trời khác đã mang tới cho thành phố cảng một diện mạo mới.
Hai thập niên sau đó, Hội chợ triển lãm thế giới Thượng Hải 2010 (EXPO 2010) trở thành đòn bẩy để hoàn thiện thành phố. Ban đầu, hai bên bờ sông Hoàng Phố là nơi tập trung nhiều nhà máy và bến cảng cũ. Để nâng cao hình ảnh của thành phố, chính quyền địa phương đã thực hiện một dự án cải tạo quy mô lớn, có tổng diện tích khoảng 5,28km2 ở hai bên bờ sông. Mục đích là để biến khu công nghiệp ban đầu với các cơ sở cũ thành không gian đô thị tích hợp các chức năng văn hóa, thương mại, dân cư, giải trí..., đồng thời cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan mặt nước. Sau khi EXPO 2010 kết thúc, đường đi dạo ven sông Thượng Hải dài 45km dọc hai bờ sông Hoàng Phố đã khai trương vào ngày cuối cùng của năm 2017.
Ngày nay, khu vực mới Phố Đông coi trọng việc sử dụng hiệu quả không gian ven sông hơn là xây dựng các tòa nhà cao tầng. Các cơ sở văn hóa và nghệ thuật hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Phố Đông, phòng hòa nhạc Lục Gia Thủy khiến Thượng Hải trở nên “đằm thắm” hơn. Còn Phố Tây vẫn giữ nguyên dáng dấp của một đô thị cổ phương Tây xen lẫn nét truyền thống Á Đông duyên dáng, quyến rũ...
Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Thượng Hải đang triển khai kế hoạch tạo ra “một không gian bờ sông đẳng cấp thế giới” dọc theo Hoàng Phố và lạch Tô Châu bằng cách mở thêm khoảng 20km bờ sông vào năm 2025.
Theo Ủy ban Phát triển nhà ở và đô thị - nông thôn Thượng Hải, không gian ven sông sẽ được mở rộng hơn nữa cả về phía Nam và phía Bắc đến vùng ngoại ô thành phố nhằm mang lại lợi ích cho nhiều cư dân hơn. Ngoài ra, Hoàng Phố sẽ có “bờ sông vàng” thể hiện khả năng cạnh tranh đô thị cốt lõi của Thượng Hải với tư cách là một đô thị quốc tế hiện đại, phát triển cao, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Để làm được điều này, nhiều công viên lớn và vành đai xanh đã và đang được xây dựng ở các khu vực ven sông, cải thiện các không gian công cộng và lối đi hiện có. Chính phủ sẽ thúc đẩy việc bảo tồn và phục hồi 330.000 mét vuông di tích công nghiệp, chủ yếu là các cảng, nhà máy và nhà kho bỏ hoang được xây dựng từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Phó Tổng Thư ký chính quyền thành phố Thượng Hải Vương Duy Nhân cho biết: “Chúng tôi sẽ hồi sinh di sản công nghiệp để giới thiệu các yếu tố văn hóa của thành phố. Kiến trúc cũ sẽ được sửa chữa và trao các chức năng mới, tạo ra các danh lam thắng cảnh mới”.
Còn hai bên bờ lạch Tô Châu sẽ trở thành “biểu tượng của cuộc sống hiện đại với môi trường sống, làm việc, du lịch và giải trí thoải mái”. Môi trường của các bờ lạch sẽ được cải thiện hơn nữa, đặc biệt là khu vực dưới cầu đường Trường Thọ ở quận Tĩnh An và nhiều cộng đồng dân cư dọc theo lạch. Con lạch này là một phần của tuyến đường thủy dài 125km bắt nguồn từ hồ Thái Hồ ở tỉnh Giang Tô và chảy qua các thành phố Tô Châu, Côn Sơn trước khi đổ vào sông Hoàng Phố.
Để bảo vệ môi trường, một chiến dịch chống ô nhiễm sẽ được thực hiện dọc theo bờ sông Hoàng Phố. Khoảng 4km2 đất ven sông đang được thu hồi để sử dụng cho mục đích khác; các hành lang sinh thái sẽ được xây dựng ở 35km về phía thượng lưu lạch Tô Châu.
Theo đánh giá của các nhà quy hoạch quốc tế, ở các khu vực đô thị đông dân cư, không gian ven sông mang đến một vùng đệm lý tưởng vừa giúp mở rộng tầm nhìn vừa có chức năng như một đường ranh giới giữa hai bên thành phố. Những đô thị có dòng sông chạy qua thường mang một sức hấp dẫn riêng. Tương tự như vậy, sông Tần Hoài ở Nam Kinh, sông Tiền Đường ở Hàng Châu cũng mang lại cho các thành phố này những vẻ đẹp độc đáo không nơi nào có.