Xã hội

"Muốn trở thành người tài cần chọn việc khó, không ngại việc khó..."

Châu Anh 18/07/2024 12:00

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp mặt và nói chuyện với hơn 40 thanh niên tiêu biểu (độ tuổi từ 16 đến 22) là con của các cán bộ, nhân viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vào ngày 17-7.

img_4687.jpg
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chụp ảnh lưu niệm với thanh niên tiêu biểu là con của cán bộ, nhân viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Ảnh Thảo Anh

Trong cuộc gặp, các em học sinh, sinh viên con em cán bộ, nhân viên Bưu điện Việt Nam đã mạnh dạn chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của bản thân tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng để nhận được những giải đáp mang tính định hướng, gợi mở.

Lần lượt trả lời từng câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các bạn trẻ phải gìn giữ văn hóa truyền thống của người Việt Nam, trước tiên là luôn nhớ đến cội nguồn, ông cha mình. Các bạn trẻ dù có đi du học hay không thì điều đầu tiên vẫn phải xác định giữ lấy cái gốc, phải thực sự là người Việt Nam, với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục của người phương Đông, từ đó có thể tích lũy, học thêm tri thức phương Tây.

Tương tự, việc học ngoại ngữ là quan trọng, giúp tiếp cận nhanh hơn tri thức của nhân loại, song trước hết phải học, hiểu chắc tiếng Việt. Kiến thức nền các bạn trẻ bắt buộc phải học, phải biết và phải vận dụng được trong cuộc sống hàng ngày thì mới có ý nghĩa, không phải học chỉ để thi...

img_4688.jpg
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trả lời nhiều câu hỏi, cũng như trao đổi, định hướng cho các bạn trẻ . Ảnh Thảo Anh

Về cách hiểu thế nào là người tài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, người tài là người tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, đất nước, quê hương và tổ chức mà mình làm việc. Việc trung bình tạo ra người trung bình, việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại. Vì thế, cách để trở thành người tài là chọn việc khó, không ngại việc khó, xung phong nhận việc khó và thậm chí là xin làm việc khó, để qua đó trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm. Nhận định mỗi người đều có 1 tài năng đặc biệt, khi tìm ra tài năng đặc biệt của mình, người đó sẽ thể hiện, cống hiến, tạo ra nhiều giá trị hơn và cũng sẽ dễ yêu quý sự khác biệt, giỏi giang của người khác. Để tìm ra tài năng đặc biệt, biết mình giỏi cái gì, không có cách nào khác là mỗi người phải thử và làm đến tận cùng.

“Một quốc gia, dân tộc trở nên thịnh vượng, giàu có là nhờ mỗi người tìm ra tài năng của mình và mang tài năng đó cống hiến cho đất nước. Sau này các cháu đi làm, sẽ có nhiều người trở thành lãnh đạo. Cần nhớ rằng, nghề chính của người lãnh đạo là tạo điều kiện để nhân viên của mình tỏa sáng. Nghề lãnh đạo là nghĩ ra những việc thách thức để nhân viên mình thử thách và thông qua đó họ trở thành người tài, đóng góp cho sự phát triển của tổ chức, đất nước. Nếu nhân viên chưa tìm ra được năng lực riêng biệt thì lãnh đạo có thể gợi ý, cho phép họ thử”, Bộ trưởng nhắn nhủ.

img_4690.jpg
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tặng sách cho các bạn trẻ. Ảnh Thảo Anh

Trả lời các câu hỏi về tác động của công nghệ số với việc chọn ngành nghề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, dù công nghệ phát triển thế nào thì phần việc của con người vẫn là rất nhiều, vô cực. Trí tuệ nhân tạo (AI) nên được hiểu là 1 trợ lý, nó không thay thế mà nằm trong tầm kiểm soát con người, giúp mọi người làm việc tốt hơn. Trong thời đại số, bất cứ ngành nghề nào cũng đều đang thay đổi, đang có không gian mới và đây là cơ hội để định nghĩa lại tất cả các nghề.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng gợi ý các bạn trẻ có thể chọn theo lý thuyết giao nhau của 3 vòng tròn: Việc mình thích, việc mình giỏi và việc có nhu cầu cao, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội…