"Nước rút" phủ sóng 5G
Sau khi MobiFone trúng đấu giá khối băng tần dành cho 5G ngày 9-7, đến nay cả 3 nhà mạng lớn đều có tần số 5G và đang đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng phục vụ thương mại hóa mạng 5G trên toàn quốc.
Theo quy định, chậm nhất sau 12 tháng kể từ ngày nhận giấy phép, doanh nghiệp phải chính thức cung cấp dịch vụ 5G.
Sẽ phủ sóng 5G rộng khắp
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện dành cho mạng 5G. Theo đó, 3 nhà mạng lớn đã trúng đấu giá thành công. Cụ thể, Tập đoàn Viettel trúng đấu giá khối băng tần 2.500-2.600 MHz (khối băng tần B1) dành cho mạng 4G và 5G. Với băng tần 3.700-3.900 MHz dành cho mạng 5G (được chia làm 2 khối C2 và C3): Tập đoàn VNPT trúng đấu giá băng tần C2, Tổng công ty MobiFone trúng đấu giá băng tần C3. Các nhà mạng cam kết, sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần sẽ triển khai lắp đặt tối thiểu 3.000 trạm phát sóng (BTS); muộn nhất 12 tháng kể từ ngày nhận giấy phép, sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 5G.
Thông tin về công tác triển khai, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Đào Xuân Vũ cho biết, trong giai đoạn thử nghiệm, Viettel đã lắp đặt 500 vị trí BTS 5G tại 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, sau khi đấu giá thành công tần số 5G, số lượng trạm còn 400 BTS, do phải rút số trạm thử nghiệm trên băng tần C. Hiện Viettel đang chuẩn bị lắp đặt khoảng 6.000-7.000 trạm BTS 5G trên cả nước, chuẩn bị chính thức thương mại dịch vụ 5G trên toàn quốc.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam, nhà mạng này đã thử nghiệm 5G tại nhiều địa bàn. Quá trình thử nghiệm đã cung cấp cơ sở dữ liệu ban đầu để nhà mạng đánh giá và xây dựng phương án mở rộng mạng lưới. Việc sở hữu khối băng tần C3 là cơ sở để MobiFone đẩy nhanh thương mại hóa dịch vụ 5G trên toàn quốc, trong đó tập trung tăng cường dịch vụ tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai 5G, MobiFone sẽ áp dụng mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp.
Hợp tác chia sẻ hạ tầng 5G cũng là quan điểm của Tập đoàn VNPT. Theo đó, tập đoàn này sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3.800-3.900 MHz. Việc dùng chung cơ sở hạ tầng 5G không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.
Để hỗ trợ các nhà mạng, cuối tháng 6-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.
Nhà mạng cung cấp gì trên 5G?
Về việc triển khai mạng 5G cũng như hiệu quả mạng 5G mang lại, đến nay trên thế giới đã có trên 200 nhà mạng tại 83 quốc gia và vùng lãnh thổ thương mại hóa dịch vụ 5G, chiếm gần 28% số nhà mạng đang hoạt động (số liệu đến tháng 4-2024). Trong đó, tại khu vực Đông Nam Á đã có 6 nước thương mại hóa dịch vụ 5G (gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei). Tại Trung Quốc, số trạm BTS 5G đã lên đến trên 3,2 triệu; đã có hơn 30.000 giải pháp 5G công nghiệp được ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số. 5G đem lại tăng trưởng 10% trong 2 năm cho các nhà mạng nước này nhờ phát triển hệ sinh thái các sản phẩm 5G, hạ tầng tính toán, cùng hàng chục nghìn ứng dụng…
Chia sẻ về một số định hướng cụ thể, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam cho hay, MobiFone định hướng phát triển các ứng dụng trên 5G phục vụ nhu cầu giải trí, công nghiệp, trong đó có giải pháp cho cảng thông minh, nhà máy thông minh; phục vụ chuyển đổi số giáo dục (MobiEdu - ứng dụng về học tập, giải pháp trường học trực tuyến); hệ sinh thái y tế số; nông nghiệp số… “Việc triển khai 5G là nội dung trọng yếu trong hành trình phát triển và chiến lược của MobiFone đến năm 2035, với việc chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam”, ông Bùi Sơn Nam nói.
Còn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Đào Xuân Vũ thông tin, từ tháng 7-2023, Viettel đã công bố thử nghiệm thành công mạng di động 5G dùng riêng ở Nhà máy Pegatron (Hải Phòng). Đến cuối năm 2023, Viettel đã chuyển giao hệ thống 5G dùng riêng cho đối tác Ấn Độ để cung cấp dịch vụ tại thị trường nước bạn. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vùng phủ 5G Viettel đạt 99%, bảo đảm kết nối khi di chuyển cũng như thực hiện hiệu quả việc giám sát dây chuyền sản xuất. Với độ trễ thấp (dưới 5 mili giây - ms), mạng 5G dùng riêng có thể giúp tự động hóa sản xuất, thay thế con người trong các công việc nặng, khu vực có nguy cơ gặp tai nạn cao. Trong lĩnh vực tự hành, mạng 5G dùng riêng có thể giúp xe ô tô tự vận hành theo tuyến đường mà không cần lái xe.
“Viettel xác định sẽ triển khai mạng 5G với quy mô rộng nhằm tạo nền tảng hạ tầng để kiến tạo kinh tế số, công nghiệp số, xã hội số, đáp ứng nhu cầu phát triển của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, Viettel sẽ hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng để triển khai hệ sinh thái ứng dụng 5G trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giải trí…, qua đó tạo ra động lực mới giúp tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động”, ông Đào Xuân Vũ nhấn mạnh.
Được biết, đến thời điểm này, các nhà mạng lớn đang gấp rút hoàn thành các thủ tục đầu tư, mua sắm trang thiết bị mạng để sớm lắp đặt hạ tầng mạng lưới 5G theo quy định. Trên địa bàn Hà Nội, các nhà mạng đã thông báo kế hoạch lắp đặt hàng nghìn trạm BTS 5G vào quý IV-2024.