Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội chính là “của để dành” của người lao động cho giai đoạn nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tại nhiều doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn người lao động.
Mới đây, ngày 11-7-2024, Bảo hiểm xã hội Hà Nội có Công văn số 3189/BHXH-TT gửi Báo Hànộimới về việc đăng tải danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó, tính đến hết tháng 6-2024, trên địa bàn thành phố có 150 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 6 đến 24 tháng với tổng số tiền 12,6 tỷ đồng. Không riêng Hà Nội, tình trạng các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cũng diễn ra ở nhiều địa phương. Có thời điểm, cả nước có tới 2,8 triệu người lao động bị các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 đến 12 tháng.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở mọi loại hình doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, số tiền nợ bảo hiểm xã hội khó thu hồi tại các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động hoặc chủ sử dụng lao động đã bỏ trốn lên đến 4.000 tỷ đồng, khiến khoảng 213.400 người bị "treo" quyền lợi... Nguyên nhân một phần là do những bất cập trong quy định của pháp luật trong việc xử lý doanh nghiệp "chây ỳ". Vì thế, có những vụ việc tưởng có thể xử lý hình sự nhưng khi xem xét kỹ lại chưa đủ căn cứ pháp lý để khởi tố. Do đó, nhiều doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người lao động.
Trước thông tin về tình trạng chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội, ngày 11-7-2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4899/ VPCP-TH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về xử lý phản ánh doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Phó Thủ tướng đã giao các bộ Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương rà soát, nắm tình hình báo chí phản ánh về việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; có các phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Để ngăn ngừa tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, ngày 29-6-2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025), trong đó bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 quy định, sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng thì người sử dụng lao động ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. Do đó, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội càng nhiều, số tiền xử phạt càng cao. Cơ quan có thẩm quyền còn có thể ra quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên…
Trong khi chờ Luật có hiệu lực, cơ quan bảo hiểm xã hội và các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới đến doanh nghiệp, người lao động để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật lao động. Bảo hiểm xã hội cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trong việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng để người lao động có chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống khi nghỉ hưu.