Văn hóa

Nhiều kế hoạch trong Chương trình 06-CTr/TU triển khai kịp tiến độ

Hoàng Lân 17/07/2024 13:12

Ngày 17-7, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

450677054_26066745202972614_2943006882276755320_n.jpg
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ thuộc Chương trình 06-CTr/TU tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh: Hoàng Quyên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngành Giáo dục cơ bản đã hoàn thành công tác xây dựng định hướng phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông và giáo dục thường xuyên thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã có 7 trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao theo Chương trình 06-CTr/TU.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn cho biết, đối với hai chỉ tiêu được giao tại chương trình, gồm: Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu năm 2025 đạt từ 80 - 85%), tính đến nay, toàn thành phố đạt 64,4%.

Với chỉ tiêu xây dựng trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại với quy mô 5ha (chỉ tiêu năm 2025 đạt từ 3 - 5 trường), đến thời điểm hiện tại, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5648/QĐ-UBND ngày 6-11-2023, phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất bổ sung đầu tư xây dựng 7 trường phổ thông nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao theo Chương trình 06-CTr/TU làm căn cứ để đầu tư, xây dựng, thực hiện mục tiêu. Hội đồng thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho hai dự án: Trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao tại huyện Thạch Thất và Gia Lâm.

Hiện nay, ngành GD-ĐT đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”; kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong trường học đến năm 2025. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã được Bộ phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; xây dựng Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”...

Tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Nguyễn Văn Tuân cho biết, nhà trường được giao chủ trì tham mưu và thực hiện hai nhiệm vụ thuộc Chương trình 06-CTr/TU gồm Đề án “Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Hiện nay, nhà trường đã triển khai thực hiện các Đề án được phê duyệt, cơ bản mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt được theo tiến độ. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của trường.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị, ngành GD-ĐT Thủ đô tiếp tục rà soát kết quả thực hiện để hoàn thiện, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đặc biệt là việc giáo dục, nâng cao phẩm chất người Hà Nội trong chương trình đào tạo các cấp. Ngoài ra, ngành cần quan tâm, đề xuất khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình.

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục tham mưu cho thành phố hoàn thiện các bộ tiêu chí văn hóa Hà Nội như tiêu chí Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa… Đồng thời, triển khai thực hiện chương trình quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động về xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.