Rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí trong Chương trình 06-CTr/TU
Ngày 16-7, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình) đã tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình với ba đơn vị: Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố.
Theo Thành đoàn Hà Nội, Đoàn Thanh niên thành phố đã tham mưu, thực hiện các nội dung liên quan, gắn với 7 nhóm đề án, kế hoạch, gồm: Đề án mã hóa dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên; Kế hoạch thanh niên Thủ đô tham gia quảng bá văn hóa, du lịch Thăng Long - Hà Nội; Đề án Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển các môn thể thao, nghệ thuật đường phố cho thanh thiếu nhi Thủ đô; Kế hoạch triển khai công trình “Nhà phân loại rác thân thiện”; Đề án “Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp, ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022-2025”...
Đối với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố (LHPN TP), các cấp Hội phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; xây dựng người phụ nữ Thủ đô phát triển toàn diện, thanh lịch, văn mình. Hội LHPN TP đã vận động hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch giai đoạn 2022-2026” và Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” giai đoạn 2022-2026 gắn với tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Còn với Liên đoàn Lao động thành phố, đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới. Các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới được thành lập trên cơ sở đáp ứng đúng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, xây dựng căn cứ trên nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể thao. Hiện nay có ba mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm mô hình tại đơn vị, doanh nghiệp, tại khu, cụm công nghiệp và tại khu dân cư.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, các đơn vị cần đánh giá lại những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành để đúc rút bài học kinh nghiệm.
Với những chỉ tiêu còn khó khăn, các đơn vị phải chỉ rõ được nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể. Mục tiêu của năm 2024 là hoàn thành xuất sắc, về đích các chỉ tiêu của Chương trình 06-CTr/TU.
Bà Trần Thị Vân Anh cũng cho biết, thành phố đang triển khai xây dựng tiêu chí “gia đình văn hóa”, “thôn, tổ dân phố văn hóa”, "xã, phường, thị trấn tiêu biểu" theo tinh thần Nghị định 86/2023/NĐ-CP của Chính phủ, vì vậy các đơn vị cần rà soát, đánh giá để có bộ tiêu chí phù hợp, đáp ứng vị trí của Thủ đô. Trong đề án văn hóa công sở và 2 Bộ Quy tắc ứng xử, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” cần phát hiện, khen thưởng kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, nhận diện các mô hình.