Hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam đạt được nhiều kết quả trong năm 2022
Đời sống - Ngày đăng : 13:14, 17/12/2022
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi và cũng là thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên. Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, truyền thông và phố biến kiến thức đã góp phần tạo ra bản sắc riêng có của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên đã luôn chủ động tập hợp lực lượng, nguồn lực để triển khai các hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức. Hoạt động này đã có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2022.
Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, trong năm 2022, công tác báo chí, xuất bản được quan tâm, chất lượng hoạt động báo chí, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề nghiệp báo chí cho phóng viên được chú trọng. 68 cơ quan báo chí trong hệ thống đã hoạt động ổn định sau quy hoạch báo chí toàn quốc, bám sát chức năng nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trang tin điện tử tổng hợp vusta.vn được nâng cấp về kỹ thuật và giao diện, nội dung từng bước được cải thiện, đáp ứng nhiệm vụ đã đặt ra. Công tác phối hợp, hỗ trợ với các hội thành viên thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức qua các hội nghị tập huấn, hội thảo, xuất bản ấn phẩm, sách phổ biến kiến thức, hỗ trợ tổ chức Hội thi Olympic sinh viên toàn quốc cũng được tăng cường...
Sang năm 2023, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện các dự án trọng điểm tuyên truyền và phổ biến kiến thức đối với các vấn đề lớn, đa ngành, nghề, đa lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn quốc.
GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động cho rằng, nhận thức về an toàn vệ sinh lao động của người lao động rất quan trọng trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về “đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến người sử dụng lao động và người lao động; tăng cường phổ biến kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động. Theo ông Trình, việc đầu tư vào công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa an toàn và giảm thiểu các rủi ro tai nạn, mà còn góp phần tăng năng suất lao động làm giàu cho xã hội.
Ông Ngô Đức Hành, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cầu đường cho biết, công tác phổ biến kiến thức, hội thảo khoa học là lĩnh vực được Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường quan tâm. Hội đã kết hợp phổ biến kiến thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Tuy nhiên, hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào các hội viên ở tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, do năng lực công nghệ thông tin và chưa có sự đổi mới về tư duy phù hợp nên công tác chuyển đổi số trong hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, ông đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam tăng cường tư vấn, hỗ trợ các hội thành viên trong chuyển đổi số...