Bất động sản

Gỡ vướng mắc trong giao đất dịch vụ ở Quốc Oai

Hoàng Sơn 15/07/2024 - 06:19

Hiện nay, nhiều khu đô thị, cụm công nghiệp ở huyện Quốc Oai hoạt động ổn định nhưng việc thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho người dân sau thu hồi đất phục vụ dự án vẫn gặp khó khăn.

Nguyên nhân chính do việc áp dụng chính sách giao đất dịch vụ chưa đồng nhất giữa các địa phương và quy định của Chính phủ. Những vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ để góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn huyện...

ha-tang-khu-dat-dich-vu-cua.jpg
Hạ tầng khu đất dịch vụ của dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho các hộ dân. Ảnh: Đức Duy

Vướng mắc về chính sách

Huyện Quốc Oai có 15 công trình, dự án thu hồi đất nông nghiệp từ những năm 2006-2008, tổng diện tích đất thu hồi là hơn 2,1 triệu mét vuông của 13 tổ chức và 3.861 hộ gia đình, cá nhân. Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của tỉnh Hà Tây (trước đây), UBND huyện Quốc Oai đã tạm giao đất dịch vụ cho 2.769 hộ gia đình, cá nhân.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực lý giải, nguyên nhân chưa thể chính thức giao đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân là do sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội (năm 2008), một số cơ chế, chính sách về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng giữa tỉnh Hà Tây (cũ), thành phố Hà Nội và quy định của Chính phủ chưa thống nhất.

Cụ thể, 4 dự án trên địa bàn xã Sài Sơn gồm: Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu, Khu đô thị mới, đường du lịch chùa Thầy, dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân, áp dụng chính sách giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp theo Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND ngày 26-6-2007 của UBND tỉnh Hà Tây; dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (thị trấn Quốc Oai) thực hiện chính sách giao đất theo Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29-9-2008 của UBND thành phố Hà Nội. Theo 2 quyết định này, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bằng tiền và được giao đất dịch vụ.

Tuy nhiên, chính sách này lại “vênh” với quy định tại Khoản 4, Điều 4, Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ là các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; trường hợp đặc biệt không có đất để bố trí như trên thì những thành viên trong hộ gia đình còn trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp (có nghĩa, trường hợp đã được giao đất dịch vụ thì không được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp).

Tương tự, chính sách về đất dịch vụ tại dự án Nhà vườn sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Đồng Quang cũng vướng mắc liên quan đến quy định giao đất dẫn đến nhiều hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp chưa chính thức được nhận đất dịch vụ.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét, nghiên cứu tính pháp lý và báo cáo UBND thành phố giao đất chính thức cho các hộ gia đình, cá nhân theo chính sách tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-7-2007 của Chính phủ và Quyết định 18/2008/QĐ-UBND ngày 29-9-2008 của UBND thành phố Hà Nội; yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân được giao đất hoàn trả số tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm đã nhận khi giải phóng mặt bằng; đề xuất UBND thành phố báo cáo Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù cho phép UBND huyện Quốc Oai giao đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức cho các hộ gia đình…

Để giải quyết bất cập này, ngày 15-3-2024, UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tồn tại về công tác giao đất dịch vụ xây dựng kế hoạch chi tiết báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, các địa phương có quỹ đất và hoàn thành xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, như: Quốc Oai, Hoài Đức, Hà Đông… thực hiện ngay việc giao đất cho các hộ dân theo quy định. Với các địa phương còn thiếu quỹ đất dịch vụ, thì tổ chức rà soát quỹ đất đấu giá, quỹ đất tái định cư, đất xen kẹt trong khu dân cư… để xem xét, đề xuất bố trí cho nhu cầu đất dịch vụ của người dân.

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp trường hợp vướng mắc, tồn tại trong công tác giao đất dịch vụ để tham mưu, đề xuất UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp hỗ trợ khác theo quy định nhằm bảo đảm công bằng cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi…

Ngoài ra, ngày 17-4-2024, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng có văn bản hướng dẫn UBND huyện Quốc Oai áp dụng quy định pháp luật liên quan hỗ trợ giao đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đất ở cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp. Cụ thể, UBND huyện Quốc Oai căn cứ Điều 32 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-2-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Khoản 4, Điều 4, Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-1-2006 của Chính phủ và quy định liên quan của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), UBND thành phố Hà Nội để xác định thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, áp dụng chính sách, pháp luật giai đoạn đó làm cơ sở giải quyết hỗ trợ giao đất dịch vụ cho người dân…

Hy vọng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, người dân huyện Quốc Oai sớm được nhận đất dịch vụ để ổn định cuộc sống.