Thế giới

Vụ nổ súng tại điểm vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: Hành vi bạo lực chính trị không thể chấp nhận

Hoàng Linh 15/07/2024 - 06:07

Vụ nổ súng khiến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị thương tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania vào tối 13-7 (giờ địa phương) đang bị lên án dữ dội. Dư luận quốc tế coi đây là hành vi bạo lực chính trị không thể chấp nhận.

cuu-tong-thong-my-donald-tr.jpg
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vòng vây bảo vệ của các nhân viên mật vụ Mỹ. Ảnh: CNN

Theo cơ quan Mật vụ Mỹ, vụ tấn công xảy ra vào khoảng 18h15 ngày 13-7, khi sự kiện vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump đang diễn ra. Theo đó, ngay sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bước lên sân khấu, bắt đầu bài phát biểu trước đám đông người ủng hộ, nghi phạm từ một vị trí cao đã bắn nhiều phát súng về phía sân khấu. Các nhân viên mật vụ Mỹ đã nhanh chóng triển khai biện pháp bảo vệ và vô hiệu hóa kẻ xả súng. Tuy nhiên, những viên đạn đã không chỉ khiến cựu Tổng thống Donald Trump bị thương, mà còn làm một khán giả thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social sau đó, ông Donald Trump cho biết, đã "bị một viên đạn xuyên qua phần trên tai phải", đồng thời gửi lời cảm ơn tới cơ quan Mật vụ Mỹ và tất cả các cơ quan thực thi pháp luật vì phản ứng nhanh chóng đối với vụ nổ súng. Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của những nạn nhân trong vụ việc.

Theo The Washington Post, cựu Tổng thống Mỹ hiện đã tới New Jersey trong tình trạng sức khỏe tốt. Vụ việc được truyền thông Mỹ đánh giá là “nỗ lực có tính chất nghiêm trọng nhất nhằm ám sát một tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống kể từ khi ông Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981". Trong khi đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã xác nhận đây là “vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump”.

Truyền thông Mỹ dẫn thông tin từ FBI cho biết, đã xác định đối tượng được cho là có âm mưu ám sát cựu Tổng thống Mỹ. Đó là Thomas Matthew Crooks (20 tuổi), sống ở Bethel Park (bang Pennsylvania). Đối tượng này không mang theo giấy tờ tùy thân ở thời điểm hành động và đã thiệt mạng. Vũ khí được nghi phạm sử dụng là súng trường bán tự động AR-15.

Nghi phạm đã đặt súng trên mái một nhà máy cách sân khấu nơi ông Donald Trump phát biểu khoảng 100m. Theo đặc vụ phụ trách Văn phòng FBI ở Pittsburgh Kevin Rojek, cơ quan này chưa xác định được động cơ của kẻ nổ súng nhưng sẽ nỗ lực điều tra. Người phát ngôn của cơ quan Mật vụ Mỹ Anthony Guglielmi cũng khẳng định, các nỗ lực điều tra đang được triển khai và thông tin cụ thể sẽ được công bố sau khi có kết quả.

Trong các nỗ lực ứng phó trước mắt, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thực hiện các hạn chế bay tạm thời trên vùng trời Bethel Park vì "lý do an ninh đặc biệt". Các nhà quản lý chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, chiến dịch sẽ sử dụng các biện pháp an ninh bổ sung.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tạm dừng các hoạt động truyền thông tranh cử, chấm dứt kỳ nghỉ tại Delaware, lên đường trở về thủ đô Washington D.C để làm việc với các lực lượng thực thi pháp luật và Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro, Thị trưởng thành phố Butler Bob Dandoy.

Các chính trị gia Mỹ, trong đó có các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama, đều thể hiện sự phẫn nộ và quan điểm phản đối bạo lực trước sự việc lần này. Nhà Trắng cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ứng cử viên Donald Trump. Trong tuyên bố về vụ nổ súng, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, đây là hành vi mà tất cả mọi người cần lên án, khẳng định không thể để những vụ việc như vậy tái diễn. Cho rằng vụ việc là một "hành động bạo lực chính trị khủng khiếp nhằm vào một cuộc vận động ôn hòa", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã hành động kịp thời và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo.

Hành vi bạo lực tại Pennsylvania cũng bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo các nước, trong đó có Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro… đã bày tỏ sự chia sẻ với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và gia đình, đồng thời lên án tất cả các hình thức bạo lực chính trị. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell phản đối vụ tấn công và cho rằng đây là một trong những "hành vi bạo lực không thể chấp nhận được đối với các đại diện chính trị".