Bệnh thoát vị đĩa đệm có xu hướng “trẻ hóa”
Trước đây, các bệnh về xương khớp như thoát vị đĩa đệm thường gặp ở những người lớn tuổi, nhưng hiện nay, bệnh lý đĩa đệm tương đối phổ biến với độ tuổi từ 20 - 30.
Đáng lo ngại, nếu chủ quan không đi điều trị sớm, bệnh dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Thoát vị đĩa đệm là một loại bệnh lý xương khớp, chỉ xuất hiện khi vòng xơ của đĩa đệm bị tổn thương hoặc rách. Tình trạng này khiến nhân nhày bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài, chèn ép vào rễ thần kinh, đồng thời gây ra các triệu chứng đau đớn và tê bì.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người bị thoát vị đĩa đệm khá cao, chiếm khoảng 30% dân số. Có nhiều nguyên nhân khiến căn bệnh này đang có xu hướng “trẻ hóa”, có thể chia thành 3 nhóm chính. Nguyên nhân thứ nhất là hoạt động làm tăng áp lực lên đĩa đệm ở những người thừa cân béo phì. Do cột sống nâng đỡ trọng lực nên bệnh thừa cân béo phì sẽ gây áp lực lớn lên đĩa đệm trong thời gian dài. Nguyên nhân thứ hai, thường rơi vào những người phải làm việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến đĩa đệm; hoặc người làm công việc văn phòng nhưng ngồi sai tư thế, đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến đĩa đệm. Nguyên nhân thứ ba liên quan tới những người bị chấn thương trong sinh hoạt, lao động, thi đấu thể thao, bị tai nạn giao thông...
Anh Nguyễn Văn Linh (31 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ: Công việc văn phòng đòi hỏi mỗi ngày tôi phải dành cho 8 - 9 tiếng ngồi máy tính liên tục, vì vậy tôi thường xuyên bị đau lưng, vai, cổ, tê bì chân tay. Nhưng do chủ quan vì nghĩ mình còn trẻ, không dễ mắc các bệnh xương khớp như người cao tuổi nên tôi chần chừ không đi khám. Mãi đến khi cơn đau dai dẳng không thể chịu đựng nổi, tôi đi khám và chụp MRI mới biết mình bị thoát vị đĩa đệm, mức độ nặng đến nỗi phải phẫu thuật điều trị.
Cần điều trị sớm để tránh nguy cơ biến chứng
PGS.TS Nguyễn Lê Bảo Tiến, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết: Để chữa căn bệnh thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể điều trị nội khoa hoặc thực hiện phẫu thuật. Với điều trị nội khoa, người bệnh cần thực hiện bất vận động với ván cứng từ 1 - 3 ngày, dùng các thuốc chống viêm giảm đau, thuốc an thần giãn cơ nhẹ và các vitamin nhóm B theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu để tăng sức mạnh, độ dẻo dai, sức chịu đựng... kết hợp với liệu pháp tâm lý. Người bệnh phải mặc áo nẹp cột sống; phong bế ngoài màng cứng, rễ thần kinh chọn lọc.
Với phẫu thuật, có nhiều phương pháp để điều trị thoát vị đĩa đệm. Một số phương pháp thường áp dụng là: Phương pháp can thiệp qua da - tạo hình nhân nhầy bằng sóng cao tần; phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn; phương pháp phẫu thuật nội soi; phương pháp mổ mở.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân vẫn rất chủ quan khi mắc bệnh thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn sớm, không kiên trì để chữa trị dứt điểm. Thêm vào đó, thói quen sinh hoạt không hợp lý cùng với việc uống thuốc không đều đặn gây nên tình trạng “nhờn thuốc”, khiến bệnh ngày càng trở nặng.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, nếu chủ quan không điều trị sớm dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống. Không chỉ bao hàm yếu tố về liệt, một số bệnh nhân có thể bị rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ, đau thần kinh mạn tính. Những bệnh này rất khó điều trị, người bệnh sau đó gần như tàn phế, không thể phục hồi.
Ngoài ra, để phòng bệnh, mọi người cần duy trì cân nặng hợp lý, tập luyện các tư thế làm việc đúng khi đi, đứng, ngồi, nằm. Khi bê vác vật nặng thì không nên chủ quan, mà cần sử dụng những kỹ thuật phù hợp, không được khom lưng mà hạ thấp cơ thể bằng cách gập nhẹ gối, trong khi vẫn cố gắng giữ thẳng lưng và sử dụng sức mạnh của các cơ vùng chân để chịu lực.
Người làm việc văn phòng thường xuyên có thể tập các động tác căng dãn lưng nhẹ nhàng khi ngồi trong khoảng thời gian dài, tập thể dục thường xuyên để duy trì độ dẻo dai của cột sống, nâng cao sức mạnh các cơ vùng lưng, vùng bụng và chân. Chế độ ăn cần đủ chất, hạn chế nguy cơ bị loãng xương.