Giáo dục

Cân nhắc kỹ khi chọn tổ hợp môn học lớp 10

Thống Nhất 14/07/2024 - 10:10

Sau mối lo chọn trường, nhiều phụ huynh, học sinh lớp 10 lại băn khoăn khi lựa chọn tổ hợp môn học. Theo các chuyên gia, việc quyết định lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 ảnh hưởng lớn đến định hướng nghề nghiệp sau này. Vì vậy, học sinh cần cân nhắc kỹ, tránh chạy theo số đông.

mot-tiet-hoc-cua-hoc-sinh-lop-10-truong-trung-hoc-pho-thong-truong-dinh-quan-hoang-mai-.-anh-nguyen-quang.jpg
Một tiết học của học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Học sinh được lựa chọn môn học

Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp trung học phổ thông. Điểm khác của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông là thay vì học sinh phải học tất cả các môn học, các em chỉ phải học 8 môn bắt buộc, ngoài ra được lựa chọn một số môn học theo năng lực, sở thích.

Sự điều chỉnh này áp dụng từ năm học 2022-2023 với học sinh lớp 10, đến nay lứa học sinh này chuẩn bị lên lớp 12. Nhưng với lứa học sinh vừa xác nhận nhập học lớp 10 năm học 2024-2025 là năm đầu tiên. Với nhiều gia đình, đây cũng là lần đầu tiên cha mẹ cùng con tiếp cận chương trình mới nên không tránh khỏi lo lắng. Vì vậy, thời điểm này, các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu và hỗ trợ phụ huynh học sinh cùng các con tìm hiểu về những điểm mới của chương trình giáo dục khi vào lớp 10.

Theo đó, khi vào lớp 10, học sinh có 8 môn học bắt buộc, gồm: Ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục của địa phương; lịch sử.

Bên cạnh các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn 4 trong 9 môn học gồm: Địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ; tin học; âm nhạc; mỹ thuật. Ghi nhận thực tế cho thấy, việc không bắt buộc học tất cả các môn học trong chương trình giúp giảm áp lực cho học sinh, nhưng cũng khiến các em đứng trước nhiều sự lựa chọn không dễ quyết định.

Thông thường, mỗi trường trung học phổ thông sẽ xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Hiểu được tâm tư nguyện vọng cũng như lo lắng của các gia đình học sinh, trong những ngày tổ chức xác nhận nhập học vừa qua (từ chiều 5-7 đến hết ngày 7-7), nhiều trường trung học phổ thông đã bố trí các bàn thông tin, tư vấn về chương trình học, đặc biệt là về các môn học lựa chọn.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Hải Yến cho biết, nhà trường xây dựng các tổ hợp gồm các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn, công khai để học sinh, phụ huynh học sinh tìm hiểu.

Những lưu ý khi chọn tổ hợp môn học

Trên các diễn đàn, hội nhóm của cha mẹ học sinh lớp 10, những câu hỏi về việc chọn tổ hợp nào cho phù hợp với năng lực của con cũng như có thể đáp ứng tốt với sự điều chỉnh các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phù hợp với định hướng nghề nghiệp nhận được sự quan tâm.

“Tôi rất lo lắng, nếu không may chọn tổ hợp chưa phù hợp thì có được đổi không, hay phải học ổn định trong cả ba năm cấp trung học phổ thông?” - Phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Hoài Thu bày tỏ.

Thông thường, sau khi thông tin kỹ về các tổ hợp môn học, các trường đều lưu ý học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học để duy trì ổn định trong suốt 3 năm học cấp trung học phổ thông, tránh phải thay đổi giữa chừng. Tuy nhiên, nhìn lại hai năm học vừa qua, có thể thấy, sau một thời gian học tập, một số học sinh cảm nhận mình đã lựa chọn tổ hợp môn chưa phù hợp. Nguy cơ lặp lại hiện tượng này là hoàn toàn có thể. Với hầu hết các gia đình, đây là lần đầu tiên có con theo học chương trình mới, khó tránh khỏi những lo lắng.

Trước những băn khoăn trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo về việc chuyển đổi môn học tự chọn nhằm bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng học tập của học sinh. Theo quy định, việc lựa chọn môn học của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn thì việc này được thực hiện vào cuối năm học. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn phù hợp với khả năng tổ chức của trường. Với học sinh, khi chuyển đổi môn học, cần có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của các môn học mới, có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh.

Thực tế, việc đưa ra quyết định chọn tổ hợp môn học gắn bó suốt 3 năm cấp trung học phổ thông không phải là điều dễ dàng. Theo các chuyên gia, học sinh đừng chạy theo số đông hoặc trào lưu. Các em cần căn cứ nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích, dự định nghề nghiệp và đừng ngại ngần chia sẻ với thầy, cô giáo cũng như bố mẹ để cùng đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương:
Bảo đảm đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập

t3-ykien-le-viet-duong.jpg

Qua 2 năm triển khai vừa qua, nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Căn cứ năng lực, dự định nghề nghiệp, học sinh có thể lựa chọn tổ hợp theo nhóm môn lựa chọn thiên về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Điều học sinh cần lưu tâm trong việc chọn tổ hợp môn học là nắm rõ năng lực học tập, sở trường và định hướng nghề nghiệp. Trong thời gian tiếp nhận hồ sơ học sinh lớp 10 trúng tuyển, trường bố trí nhiều phòng thông tin tư vấn cho cha mẹ học sinh và học sinh về cơ cấu chương trình học, trong đó có việc lựa chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp. Đội ngũ phụ trách phòng tư vấn đều là lãnh đạo các tổ, nhóm có chuyên môn, kỹ năng tốt và tinh thần trách nhiệm, tận tình lắng nghe chia sẻ của học sinh, từ đó hiểu rõ thêm về năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp tương lai. Căn cứ số lượng nguyện vọng, nhà trường sẽ xếp học sinh vào các lớp theo thứ tự nguyện vọng, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của học sinh.

Học sinh lớp 12D3, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) Trần Nguyễn Thái An:
Nhận thức rõ về năng lực thực chất của mình

t3-ykien-tran-nguyen-thai-an.jpg

Em là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là năm đầu tiên chọn tổ hợp môn học. Em đã chọn tổ hợp môn học có môn vật lý vì nghĩ các môn học này sẽ được nhiều trường đại học sử dụng, cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên trong quá trình học em nhận thấy thế mạnh của mình không phải ở môn vật lý mà phù hợp hơn với môn học khối khoa học xã hội, vì thế nên đã đổi môn học lựa chọn. Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường em đã được bổ sung kiến thức, kỹ năng và đến nay hoàn toàn tự tin học tập với tổ hợp môn mình lựa chọn.

Từ trải nghiệm của bản thân, em thấy rằng yếu tố đầu tiên khi lựa chọn tổ hợp là nhận thức rõ về năng lực thực chất của mình. Tiếp theo, nên tìm hiểu về yêu cầu của các ngành nghề đào tạo mà mình dự định theo học xem năng lực học tập của bản thân mình đáp ứng được ở mức độ nào, tránh chạy theo số đông để phải thay đổi giữa chừng, rất vất vả và thiệt thòi.

Học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) Bùi Nguyễn Phương Chi:
Mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh từ năm 2025

t3-ykien-bui-nguyen-phuong-chi.jpg

Đây là năm thứ 3 học sinh trung học phổ thông học chương trình mới với ưu thế là được học môn mình thích và giảm áp lực khi không phải học quá nhiều môn. So với các anh chị lớp 11 và lớp 12, chúng em có nhiều lợi thế hơn. Thông tin về điểm mới của chương trình được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông, giúp em hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc sớm định hướng nghề nghiệp. Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố (gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) cũng là thông tin rất quan trọng. Cùng với việc xác định rõ năng lực, sở thích của bản thân, đây là các thông tin giúp em định hình rõ hơn về tổ hợp môn học mình mong muốn và có khả năng theo học. Em rất mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh từ năm 2025 và định hướng cho các năm tiếp theo, trong đó có các tổ hợp xét tuyển cụ thể để chúng em yên tâm và chủ động xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Minh Khang ghi