Hướng tới phát triển xanh trong thương mại điện tử
Báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam cho hay, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Tuy nhiên, thương mại điện tử lại đang gây phát sinh lượng rác thải gấp nhiều lần so với thương mại truyền thống.
Để thương mại điện tử phát triển bền vững, thân thiện hơn với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Dự báo, tổng doanh thu năm 2024 đạt gần 30 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,3% của cùng kỳ năm 2023, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Đây là mức tăng tương đối thấp so với 2 năm 2022, 2023 và so với những năm trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trong bức tranh bán lẻ chung, thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Quốc Lân cho biết, theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử (Metric), trong quý II-2024 ước tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 78%.
Thực tế, mua sắm trực tuyến đang là sự lựa chọn của khá nhiều người. Chị Nguyễn Minh Hà (trú tại ngõ 12 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước đây, tôi thường xuyên đi chợ và siêu thị để mua sắm, nhưng bây giờ thường hay mua đồ qua kênh trực tuyến. Bán hàng trên mạng cũng rất đa dạng các mặt hàng: Đồ gia dụng, thực phẩm khô, quần áo, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân… Mua sắm trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, mà còn hay có chương trình khuyến mại, giảm giá nên cũng tiết kiệm được chi phí”.
Theo ông Nguyễn Quốc Lân, thị trường nội địa trong nửa cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tích cực khi đà phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Đối với tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, dù tăng trưởng kinh tế có thể sẽ cao hơn nhưng nhìn chung vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt sức mua tiêu dùng trong nước vẫn yếu khi mà các kênh tạo thu nhập vẫn còn khó khăn. Riêng thương mại điện tử bán lẻ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. "Dự báo, tổng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa cả năm 2024 có thể tăng khoảng 45% so với năm 2023, lên gần 30 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 14% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước, tăng mạnh so với tỷ trọng trên 10% trong năm 2023", ông Nguyễn Quốc Lân cho biết.
Khuyến khích sử dụng bao bì tái chế
Bên cạnh ưu điểm so với thương mại truyền thống, tại hội thảo “Rác thải nhựa từ thương mại điện tử” vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức mới đây, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng cho biết, thống kê của các cơ quan chức năng, ở Hàn Quốc, rác thải do thương mại điện tử thải ra môi trường gấp 4,8 lần thương mại truyền thống. Tại Hoa Kỳ, mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton gấp 7 lần so với mua sắm truyền thống. Tại Trung Quốc, năm 2020 có trên 70 tỷ kiện hàng từ giao dịch thương mại điện tử, trong đó đã sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton và nhựa, với gần 2 triệu tấn chất thải nhựa.
Còn tại Việt Nam, năm 2023 bán lẻ hàng hóa trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hóa, trong đó có đến 306.000 tấn bao bì, vật liệu nhựa. Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp ni lông bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%; sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa. Trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống, có thể sử dụng túi ni lông ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.
“Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800.000 tấn”, ông Hưng nhận định. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, đã đến lúc cần thiết có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho rằng, để phát triển thương mại điện tử bền vững cần giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường. Theo đó, bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh...
Bên cạnh đó, để quản lý thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên mạng xã hội, đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website, ứng dụng kinh doanh thương mại điện tử vi phạm pháp luật.