Tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động ở nông thôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực này.
Theo đó, trong 10 năm qua, đã có gần 10 triệu lao động ở nông thôn được học nghề, với gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Đặc biệt, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được kiện toàn, một số cơ sở được đầu tư theo hướng hiện đại, chuẩn hóa. Công tác đào tạo nghề cơ bản phù hợp với nhu cầu người học, gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Sau học nghề, số lao động có việc làm chiếm tỷ lệ cao; năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên.
Đáng kể hơn, qua công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, người dân khu vực nông thôn đã từng bước đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là cơ sở quan trọng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn, góp phần xóa nghèo bền vững.
Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Trong đó đáng kể nhất là chất lượng đào tạo còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề còn bất cập. Hoạt động hỗ trợ người dân sau khi học nghề chưa được triển khai hiệu quả. Chưa kể, công tác quy hoạch sản xuất ở một số nơi còn lúng túng, ảnh hưởng tới việc xác định nhu cầu và nghề đào tạo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả…
Đứng trước yêu cầu mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 37/CT-TƯ (ngày 10-7-2024) về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm đưa lĩnh vực này hoạt động hiệu quả, đi vào chiều sâu, phát triển bền vững và thực chất.
Một trong những yêu cầu căn bản trong Chỉ thị số 37/CT-TƯ là đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 37/CT-TƯ, các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm tìm kiếm phương thức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn trên đồng ruộng. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn. Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các ngành chức năng và địa phương cũng cần quan tâm đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể khu vực nông thôn.
Về cơ bản, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn không phải chỉ hướng giải quyết lao động dôi dư, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Đây là quá trình tạo ra nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại, sản xuất lớn, khoa học công nghệ cao và hội nhập quốc tế.