Giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC, có bất thường?
Ngày 12-7, giá vàng trong nước tăng mạnh theo giá quốc tế. Điểm đáng chú ý là giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng SJC trong khi trước đây có thời điểm giá vàng miếng cao hơn giá vàng nhẫn tới 10 triệu đồng/lượng, điều này có bất thường?
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - ông Huỳnh Trung Khánh xung quanh diễn biến của thị trường này.
- Ngày 12-7, giá vàng trong nước tăng mạnh, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Theo tôi, do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Đêm qua, giá vàng thế giới tăng vọt, vượt mốc 2.400 USD/ounce trong bối cảnh Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, Fed sẽ giảm lãi suất nếu mức độ lạm phát Mỹ giảm. CPI tháng 6 của Mỹ mới được công bố cho thấy giảm 0,1%, đưa lạm phát hằng năm xuống 3%, thấp hơn mức kỳ vọng. Vì vậy, thị trường dự đoán Fed có thể giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay, có thể là vào tháng 9 hoặc tháng 12. Do đó chỉ số USD giảm. Giá USD thường đi ngược chiều với giá vàng.
- Giá vàng miếng SJC sau hơn 1 tháng đứng yên thì hôm nay đã tăng đến nửa triệu đồng/lượng, nhưng chỉ tăng chiều mua trong khi chiều bán giữ nguyên, vì sao, thưa ông?
- Thời gian qua, để bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC cho ngân hàng thương mại quốc doanh để ngân hàng bán trực tiếp cho người dân. Mức giá được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày. Với mức giá gần nhất, ngân hàng thương mại quốc doanh và doanh nghiệp niêm yết giá bán là 76,98 triệu đồng/lượng. Vì thế, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải niêm yết giá bán vàng miếng SJC không thể cao hơn. Còn về giá mua, đây là giá doanh nghiệp mua vào nên doanh nghiệp có thể linh hoạt điều chỉnh. Việc doanh nghiệp tăng chiều mua, giữ nguyên chiều bán cũng là điều tốt vì chênh lệch giữa giá mua và giá bán được thu hẹp.
- Giá vàng miếng SJC chỉ biến động chiều mua nên đã thấp hơn giá vàng nhẫn. Một số ý kiến cho rằng điều này là bất thường, bởi trước đó, giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng nhẫn, có thời điểm cao hơn tới 10 triệu đồng/lượng, quan điểm của ông thế nào?
- Đúng là bất thường. Nhưng ở góc độ nào đó thì có lý do. Giá vàng nhẫn bao năm nay vẫn diễn biến theo giá vàng thế giới, chỉ chênh lệch 3-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Còn với vàng miếng SJC, vì là thương hiệu quốc gia, được người dân ưa chuộng, hàng khan hiếm nên có thời điểm giá cao hơn vàng nhẫn 10 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh và thời gian qua liên tục đứng yên, không biến động theo giá thế giới.
Về nguyên tắc là vàng miếng cao hơn vàng nhẫn, được ưa chuộng hơn vàng nhẫn, bởi vàng miếng có nhiều ưu điểm hơn như là thương hiệu quốc gia, chất lượng uy tín hơn, không dễ làm giả, làm nhái. Còn vàng nhẫn có nhiều thương hiệu, khả năng làm giả, nhái dễ hơn vàng miếng. Vàng nhẫn chỉ có ưu điểm là đơn vị nhỏ, vừa túi tiền với người dân khi mua trong khi vàng miếng hiện chỉ có loại 1 lượng, nhiều tiền mới mua được.
- Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp để bình ổn thị trường bằng cách bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh để bán trực tiếp cho người dân. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?
- Giải pháp này đã mang lại hiệu quả là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, hiện chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng, đạt được yêu cầu đầu tiên đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều phản ánh cho thấy, lượng cung vàng ra thị trường còn ít nên người mua khó tiếp cận. Cũng cần hiểu là, nếu muốn nguồn cung dồi dào thì phải nhập vàng nguyên liệu về dập vàng miếng SJC. Mà lúc này, như tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên nguồn dự trữ ngoại hối dùng để giữ ổn định tỷ giá VND/USD. Hy vọng là khi mục tiêu bình ổn tỷ giá hoàn thành, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nhập vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường.
- Tuy nhiên đó chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
- Trước tiên là cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC (vì thương hiệu vàng miếng SJC đã chiếm 90% thị trường, nếu để nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau, người dân có thể vẫn sẽ chuộng vàng miếng SJC) thì cần cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường.
Với việc độc quyền nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét có nên quản lý vàng nữ trang hay không, hay coi đó như mặt hàng bình thường và để Bộ Công Thương quản lý. \
Cho nhập khẩu vàng cũng là giải pháp quan trọng, vừa tăng nguồn cung ra thị trường, vừa hạn chế tình trạng nhập lậu vàng. Giải pháp khác là xem xét thành lập sàn giao dịch vàng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Sáng 12-7, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn là 75,88 triệu đồng/lượng (mua vào) - 77,18 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày 11-7. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng 450.000 đồng/lượng mỗi chiều với giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ, để là 75,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 76,7 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán ra tiếp tục được doanh nghiệp niêm yết ở mức 76,98 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với những ngày qua; chiều mua nơi tăng 500.000 đồng/lượng nơi không đổi, để là 75,48-75,5 triệu đồng/lượng.
Đến cuối ngày, giá vàng miếng SJC vẫn giữ mức trên. Với vàng nhẫn, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,15 triệu đồng/lượng (mua vào) -76,65 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng (chiều mua) và 400.000 đồng/lượng (chiều bán) so với cuối ngày hôm trước.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết là 75,68 triệu đồng/lượng (mua vào) -76,98 triệu đồng/lượng (bán ra), chỉ tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.