Công nghệ

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đẩy mạnh triển khai công nghệ

Thu Hằng 12/07/2024 - 21:49

Chiều 12-7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) thông tin về khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm.

hop-bao.jpg
PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì họp báo. Ảnh: Thu Hằng

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024 của Viện.

Theo đó, Viện Hàn lâm đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể, hoàn thành hơn 90% khối lượng các công việc cần thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc; vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; nhiệm vụ phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; từng bước hoàn thiện Trung tâm Bảo tồn tài nguyên Thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động, thực vật, tiếp nhận mẫu vật phục vụ công tác bảo tồn, cứu hộ...

Công tác ứng dụng, triển khai công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Tính đến ngày 16-5, Viện Hàn lâm được cấp 53 sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để thực hiện các hoạt động nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đồng thời là dự án về khoa học công nghệ được đầu tư lớn nhất trong vòng 35 năm nay. Đến nay, dự án đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc xây lắp, dự kiến đến tháng 12-2024 các hạng mục xây dựng còn lại sẽ hoàn thành và bàn giao.

Về hạng mục chính của dự án, Vệ tinh LOTUSat-1 đã được chế tạo xong. Theo dự kiến của chính phủ Nhật Bản, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ phóng lên quỹ đạo vào tháng 2-2025, sau đó vệ tinh sẽ được vận hành thử 3 tháng và đến tháng 6-2025 sẽ được bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vận hành...

Hạng mục Trung tâm Nghiên cứu phát triển thông tin và vận hành vệ tinh nhỏ dự kiến tháng 12-2025 sẽ hoàn thành. Đây là cơ sở để Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”.

adn.jpg
PGS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Thu Hằng

Cũng tại buổi họp báo, PGS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, công nghệ giám định hài cốt ở Trung tâm Giám định ADN là phân tích ADN ty thể. Mặc dù phương pháp này đã hỗ trợ nhiều kết luận xác định danh tính nhưng thực tế quá trình giám định ADN hài cốt gặp không ít thách thức khi số lượng mẫu lớn và chất lượng mẫu giảm theo thời gian. Trước đây, công nghệ này phù hợp với điều kiện trong nước làm với quy mô nhỏ, nhưng nay, không còn phù hợp.

Thực hiện dự án ODA “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao” ngày 29-3-2024, các nhà khoa học tại Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích và Viện Công nghệ sinh học triển khai các nghiên cứu tối ưu hóa công nghệ tách triết ADN nhân từ mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Đây sẽ là bước đột phá lớn trong công nghệ nhận dạng DNA của con người.

PGS Phí Quyết Tiến cho biết, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN đã giám định khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ, bàn giao 1.600 mẫu, tỷ lệ thành công là 22%.