Hà Nội: 5 khu vực phát triển đô thị tập trung hình thành theo mô hình vùng đô thị lớn
Ngày 12-7, tại tọa đàm trao đổi thông tin về quy hoạch kiến trúc Thủ đô do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã thông tin một số nội dung cơ bản của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, đồ án đã được Bộ Xây dựng thẩm định vào tháng 4-2024; được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Thành ủy Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5-2024.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và đã có báo cáo Bộ Xây dựng, trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Trịnh Quang Dũng, Trưởng phòng Sau quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, không gian của Thủ đô Hà Nội phát triển theo hệ thống chùm đô thị đa cực, đa trung tâm.
Trong đó, 5 khu vực phát triển đô thị tập trung được hình thành theo mô hình vùng đô thị lớn. Đô thị trung tâm tiếp tục phát triển mở rộng về phía Tây và phía Nam, giới hạn đến đê Tả Đáy và tỉnh lộ 427.
Hành lang đô thị hai bên trục đường Vành đai 4 được phát triển để bổ trợ các chức năng văn phòng, giáo dục, y tế, văn hóa, dịch vụ cho khu vực nội đô.
Khu vực đô thị phía Đông gồm: Quận Long Biên, huyện Gia Lâm phát triển các chức năng đô thị thương mại, dịch vụ, logistics và dịch vụ hỗ trợ hành lang kinh tế biển phía Đông.
Khu vực đô thị phía Bắc gồm: Huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn phát triển các chức năng kết nối quốc tế, gồm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ,
Khu vực đô thị phía Tây với trọng tâm là đô thị Hòa Lạc, phát triển các chức năng khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch.
Khu vực phía Nam với trọng tâm là đô thị Phú Xuyên, mở rộng gắn với đô thị sân bay, dịch vụ logistics.
Trong khi đó, khu vực nông thôn được phát triển theo chương trình nông thôn mới, hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp đặc sản, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị và xuất khẩu.
Trục sông Hồng trở thành trục không gian điểm nhấn, biểu tượng, với tính chất là không gian đặc trưng văn hóa lịch sử, không gian mở kết nối cây xanh - mặt nước, là không gian chuyển tiếp và kết nối giữa đô thị trung tâm và thành phố đối trọng Bắc sông Hồng.
Thành phố khai thác không gian văn hóa du lịch, hình thành tuyến du thuyền hành trình văn hóa theo dòng chảy lịch sử văn hiến: Phú Thọ - Sơn Tây - Hoàng Thành Thăng Long - Cổ Loa - Bát Tràng - Hưng Yên; đồng thời phục dựng các công trình di tích văn hóa dọc sông tạo nên giá trị du lịch văn hóa đặc trưng…
Tại tọa đàm, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc giải đáp các vấn đề trong lập quy hoạch tổng mặt bằng theo quy định mới. Đây là công việc đang gây khó khăn, vướng mắc.