Kinh tế

Những hành vi lừa đảo phổ biến tại thị trường Trung Đông

Lam Giang 12/07/2024 - 18:17

Doanh nghiệp cần cẩn trọng, không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn khi giao thương với doanh nghiệp tại khu vực Trung Đông vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến.

Thông tin trên được ông Trần Trọng Kim, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út đưa ra tại hội thảo với chủ đề “Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội chiều 12-7.

Về thị trường Ả Rập Xê-út, ông Trần Trọng Kim cho biết, do khó khăn trong trồng trọt canh tác nông nghiệp nên nước này có nhu cầu nhập khẩu hơn 90% các loại hàng hóa, như: Gạo, các loại rau, củ, quả tươi, các loại hạt, gia vị; hàng thủy sản tươi và đóng hộp... Ngoài ra là sản phẩm dệt may, phụ tùng phương tiện vận tải, nội thất, than củi, trầm hương,....

12.7-2-sp-halnal-tai-ht.jpg
Một số sản phẩm Halal được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Lam Giang

Hiện Ả Rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, phát triển môi trường bền vững, do đó các sản phẩm organic, thân thiện với môi trường được đánh giá cao và có nhu cầu trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu. Cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên tìm các đầu mối nhập khẩu hàng hóa không đi qua khu vực Biển Đỏ để tránh những rủi ro.

"Đặc biệt, khi giao dịch cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng LC, có đặt cọc, nếu có khách hàng trả trước thì càng tốt. Không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn, vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến", ông Trần Trọng Kim lưu ý.

Cùng với đó, khi có các đơn hàng có dấu hiệu nghi ngờ, đề nghị doanh nghiệp thận trọng và xác minh kỹ qua kênh Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

12.7-halal.jpg
Bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin tại hội thảo. Ảnh: Lam Giang

Theo bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, hiện trên thế giới trung bình cứ 4 người thì có 1 người tiêu dùng các sản phẩm Halal. Châu Phi - Trung Đông là thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm Halal, gồm: Thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang...

Tổng giá trị trao đổi thương mại các sản phẩm Halal toàn cầu năm 2022 khoảng 2.300 tỷ USD. Chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm khoảng 1.400 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên OIC là 444,7 tỷ USD.

Thực tế, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của các nước Trung Đông - châu Phi kém phát triển, rất nhiều sản phẩm chế biến phục vụ nhu cầu của người dân khu vực này chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. “Thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác", bà Nguyễn Minh Phương nhận định.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.

Bên cạnh đó, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi - Trung Đông nói riêng.