Phát triển chuỗi giá trị từ sen
Chiều 12-7, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.
Sen - cây trồng đa giá trị
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 3 miền, vùng rõ rệt, cũng có 3 loại sen, đặc trưng cho mỗi vùng miền. Miền Nam có sen hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen trắng Huế; miền Bắc có sen bách diệp hồ Tây. Đặc biệt, sen bách diệp hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.
Nói về sen bách diệp hồ Tây, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, gọi là bách diệp bởi 1 bông sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Từ sen bách diệp, người dân Tây Hồ khéo léo ướp trà sen Tây Hồ - sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ trở thành món quà đặc biệt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn cho gia đình, bạn bè.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, toàn thành phố hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương: Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Quốc Oai…
Hà Nội cũng có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành. Trong đó, có 18 sản phẩm từ cây sen được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Nhãn cho biết, địa phương đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đưa sen từ ngành hàng tiềm năng thành ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các bộ phận từ cây sen Huế đã được chế biến thành các món ăn mang đậm hình ảnh, văn hóa ẩm thực xứ Huế, như gỏi ngó sen, trà hoa sen Huế, hạt sen, mứt củ sen; sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm.
Bảo tồn giống sen quý của Việt Nam
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội; bảo tồn phát triển sen Tây Hồ trong hệ sinh thái sen Việt Nam; kinh nghiệm khai thác giá trị kinh tế sen gắn với văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố; thúc đẩy phát triển các làng nghề có sản phẩm từ sen và trao đổi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm từ sen của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm.
Từ kinh nghiệm nhiều năm trồng và chế biến sen, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, Việt Nam có rất nhiều loại sen đã được trồng, tùy mục đích sử dụng mà
người ta trồng giống sen khác nhau, trên những chân đất khác nhau...
Những năm qua, do đô thị hóa nên diện tích trồng sen hồ Tây đang bị thu hẹp. Để bảo tồn và phát triển giống sen quý, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, quận đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng sen bách diệp tại 18 hồ trên địa bàn. Song hành, quận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, Sở đã giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội do Viện tuyển chọn qua việc lai tạo, nhập nội giống. Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó, bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Cũng nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên hiện nay thành phố có nhiều giống sen mới, giúp mùa sen ở Hà Nội kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm.
Cũng tại hội thảo, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen.
Ông Nguyễn Đình Hoa mong muốn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh, phát triển sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.
Hà Nội cũng sẽ xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen; bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa bày tỏ mong muốn các nghệ nhân sẽ có thiết kế sản phẩm mới từ sen phù hợp thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen tại làng nghề nông thôn; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm sen trong chuỗi sản phẩm làng nghề Hà Nội gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế.