Nghị quyết và Cuộc sống

Coi trọng giải quyết đơn thư, hạn chế phát sinh điểm nóng

Việt Tuấn 12/07/2024 - 07:02

Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền các cấp thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Thông qua đợt giám sát mới đây, Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội ghi nhận những kết quả tích cực và kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương.

ban-phap-che-hdnd-thanh-pho.jpg
Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội giám sát việc chấp hành pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các kết luận thanh tra tại huyện Sóc Sơn.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 82%

Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Bích Thủy cho biết, qua giám sát cho thấy, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn, kết hợp thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm trong thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… nên chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc được nâng lên.

Toàn thành phố đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến nhiều lĩnh vực, với tỷ lệ trung bình đạt 82%. Việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố và Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND thành phố Hà Nội về thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố được chú trọng. Trong đó, kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo theo Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND đạt tỷ lệ trung bình 72%, các vụ việc theo Chỉ thị số 15-CT/TU đạt tỷ lệ 58,25%.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra của cơ quan trung ương, Thanh tra thành phố, sở, ngành và UBND cấp huyện đạt tỷ lệ trung bình 90%.

Đơn cử như ở huyện Sóc Sơn, Chánh Thanh tra huyện Sóc Sơn Lê Thị Hồng Giang cho biết, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị về thanh tra, kết luận nội dung tố cáo và quyết định giải quyết khiếu nại của các cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, huyện đã giải quyết xong 54 vụ việc khiếu nại đúng về đất đai, trật tự xây dựng; đã xem xét, kết luận nội dung hơn 40 vụ tố cáo; thực hiện xong 17 kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố thuộc trách nhiệm của cấp huyện.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, từ tháng 1-2022 đến nay, quận tiếp nhận hơn 400 vụ việc, trong đó thuộc thẩm quyền thụ lý 332 đơn. Với quyết tâm cao, quận đã thực hiện dứt điểm nhiều vụ việc, tình hình địa phương, cơ sở ổn định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Bên cạnh những kết quả trên, Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội nhận định, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Nổi lên là công tác đối thoại trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa đáp ứng yêu cầu công việc; việc phân loại, xử lý đơn, thư chưa chính xác, vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại với kiến nghị, kiến nghị với tố cáo, dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, chậm xử lý, chưa bảo đảm đúng thời hạn theo quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Việc thực hiện các văn bản chỉ đạo xử lý của UBND thành phố, có vụ việc còn chậm, chưa chủ động, quyết liệt khi gặp vấn đề vướng, khó; việc tổ chức thực hiện một số vụ việc đã có quyết định giải quyết, kết luận thanh tra chưa được quan tâm đúng mức...

Về kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song việc tổ chức thực hiện còn chưa bảo đảm tiến độ, còn tới 28% số vụ việc chưa giải quyết xong. Còn 21/114 (tỷ lệ 18,42%) quyết định giải quyết khiếu nại và 67/180 (tỷ lệ 37,2%) thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật theo Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND chưa giải quyết xong…

Trước những tồn tại trên, Ban Pháp chế, HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, quy định cụ thể tiến độ, thời gian tổ chức thực hiện các vụ việc đã có quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố để thực hiện dứt điểm trong nhiệm kỳ 2021-2026. Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Tố cáo năm 2018, gắn với việc thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước tập trung ở lĩnh vực thường có đơn, thư, như: Đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, xây dựng, quản lý nhà chung cư... qua đó giúp người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của địa phương.

Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, ngoài ra, Ban cũng đề nghị UBND thành phố kịp thời ban hành văn bản xử lý và chỉ đạo tạo cơ sở để tổ chức thực hiện, giải quyết dứt điểm các vụ việc khó, tồn đọng qua nhiều thời kỳ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất chung trên toàn thành phố về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và theo dõi việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật trên toàn thành phố...

Cùng với đó, Ban Pháp chế, HĐND thành phố đề nghị Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân; đặc biệt chú trọng giám sát việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật của các cấp chính quyền.

Hằng năm, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Cùng với đó là kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND cấp xã bảo đảm thực hiện hết trách nhiệm trong việc xử lý đơn, thư, tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; đồng thời, cần lựa chọn, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân bảo đảm số lượng và chất lượng.