Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra
Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành vào ngày 11-7.
Theo đó, ngành Thanh tra xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến tích cực, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2024, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao; lưu ý thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Cùng với đó là khẩn trương hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng về công vụ và quy hoạch xây dựng, báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2025 có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp. Thanh tra Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, chủ động nắm bắt tình hình khiếu kiện, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở; rà soát, giải quyết đứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất nông, lâm trường…