Vì sức khỏe toàn dân
Trong những năm qua, với nỗ lực không ngừng, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển đất nước; đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thẳng thắn đánh giá, ngành Y tế nước ta vẫn còn những yếu kém, bất cập. Đó là tình trạng thiếu thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế còn diễn ra. Việc bảo đảm các mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng mở rộng gặp nhiều thách thức.
Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng phục vụ tại một số cơ sở vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Tình trạng quá tải bệnh viện vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là với bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương. Công tác quản lý đào tạo chất lượng và nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế…
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 294/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với Bộ Y tế.
Theo thông báo, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế để trình Quốc hội theo tiến độ đã được xác định; tiếp tục hoàn thiện các dự án luật về phòng bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, thiết bị y tế; phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý từng vấn đề đang có vướng mắc về tổ chức bộ máy, tự chủ bệnh viện, sắp xếp bệnh viện, đào tạo nhân lực, kinh phí, đầu tư, chế độ, chính sách cho một số đối tượng đặc thù...
Có thể thấy nhiệm vụ hết sức nặng nề đang được đặt lên vai ngành Y tế - “người gác cổng” chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Để làm tròn vai trò, trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện tốt những định hướng được nêu ra trong Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Trước mắt là nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ cho nhân lực y tế cơ sở tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc. Có giải pháp đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo...
Cùng với đó, ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; làm tốt công tác sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số…
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.
Khi ngành Y tế làm tròn trọng trách “người gác cổng”, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.