Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Tỷ lệ sinh chỉ đạt 1,32 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ

Hà Phạm 11/07/2024 - 15:25

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mức sinh thấp của cả nước.

ds1.jpg
Ra quân cổ động, tuyên truyền bằng xe lưu động về dân số trên các tuyến đường thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Phạm

Ngày 11-7, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ phát động “Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp và kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7”.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Theo đó, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đến cuối năm 2023 là 0,73%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%. Nhìn chung, quy mô dân số thành phố tăng chậm, tính đến cuối năm 2023, quy mô dân số gần 9,5 triệu người.

Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Năm 2023, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%. Mặt khác, kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ.

Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố ở mức khá cao (76,5 tuổi) so với cả nước (73,7 tuổi).

Tuy nhiên, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm. Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2023, con số này chỉ còn 1,32.

Nguyên nhân do phụ nữ ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Mặt khác, hiện nhiều cặp vợ chồng có quan điểm là kết hôn muộn hơn và chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho con cái… Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp của cả nước.

Mức sinh giảm tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai, khiến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, dẫn đến những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế - xã hội. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện thành phố có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12,5%). Già hóa dân số tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...

ds2.jpg
Ngành Y tế tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ

Trong chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, UBND thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ. Quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.

Để giải quyết vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, ngành Y tế cần có những biện pháp thực hiện đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ đến việc thay đổi nhận thức của người dân thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất.

Để ứng phó với già hóa dân số, ngành Y tế nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Để tăng chất lượng dân số, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Trong đó, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các cặp đôi chủ động tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, khả năng mang thai và sinh con.