Nông nghiệp

Vạn Thắng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Ánh Dương 10/07/2024 - 07:07

Với sự cần cù, tích cực tìm hiểu, mạnh dạn đổi mới, người dân xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Đặc biệt, các mô hình nuôi thả cá, trồng hoa, rau… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ mỗi năm.

thuy-san.jpg
Mô hình nuôi trồng thủy sản tại thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Trung Nguyên

Là địa bàn có diện tích mặt nước lớn nhất xã, những năm qua, nhiều hộ dân ở thôn Mai Trai (xã Vạn Thắng) đã thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 110ha. Theo ông Đỗ Văn Xim, chủ một trang trại cá ở thôn Mai Trai, từ năm 1988, gia đình ông đã hợp tác với một số hộ dân khác nuôi thả cá trên tổng diện tích 60ha. Đến năm 2002, ông Xim và ông Đỗ Văn Hoàn tách ra làm riêng trên diện tích 30ha, chia thành 7 ao, nuôi thả các loại cá: Quả, trắm, chép, trôi, mè, lăng… “Mỗi năm, chúng tôi đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mua cá giống, thức ăn, tu sửa bờ vùng, mua vôi bột khử khuẩn, gieo trồng lúa làm thức ăn cho cá, thuê nhân công... Với cách thức nuôi cá theo hướng an toàn, nên việc tiêu thụ cũng khá ổn định, tổng doanh thu hằng năm đạt 7-8 tỷ đồng”, ông Đỗ Văn Xim cho hay.

Trang trại nuôi thả cá của ông Xim và ông Hoàn đã tạo việc làm cho khoảng 7-8 lao động địa phương, với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Từ năm 2023, ông Xim và ông Hoàn đã được Sở NN&PTNT Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi thả cá theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng cá thương phẩm của trang trại tốt hơn. Quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các ông tiếp tục tìm hiểu, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi cá trắm giòn, chép giòn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo Trưởng thôn Mai Trai Lê Văn Nam, cả thôn hiện có 16 hộ thực hiện mô hình nuôi thả cá. Nhiều hộ làm trên diện tích hàng chục hécta, như các hộ ông: Đỗ Văn Xim, Đỗ Văn Hoài, Đỗ Văn Hải, Lê Văn Toàn, Đỗ Văn Hiệp… Tổng sản lượng cá của xã Vạn Thắng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 630 tấn, trị giá khoảng 16,5 tỷ đồng.

Còn ở thôn Tuấn Xuyên, người dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình trồng rau, củ, quả, hoa để nâng cao thu nhập. Trưởng thôn Tuấn Xuyên Phùng Ngọc Nhưỡng chia sẻ, cả thôn có hơn 30ha đất nông nghiệp, nhưng một phần diện tích đã nằm trong vùng dự án, nên hiện chỉ còn 24ha canh tác. Nhiều năm qua, các hộ trong thôn đã chuyển đổi được 10ha trồng lúa cho hiệu quả thấp sang trồng rau màu, quả và hoa. Hiện tại, thôn có 5 hộ trồng các loại hoa cúc, hồng, lay ơn… trên diện tích 1 mẫu, trừ mọi chi phí, cho thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/sào/năm. Riêng diện tích trồng rau, củ, một vụ có thời gian khoảng 1,5-2 tháng, cũng cho thu lãi gần 10 triệu đồng/sào/vụ. Đáng chú ý, những hộ trồng rau giống có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, sản xuất rau giống các loại trên diện tích 1 mẫu, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương. Theo ông Sáng, thời gian làm rau giống ngắn hơn nhiều so với rau thương phẩm, nên thực hiện được nhiều vụ trong năm. Ông Sáng cũng gieo trồng nhiều giống rau, củ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã và khu vực lân cận, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Cùng với đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, từ năm 2020, xã Vạn Thắng có thêm nghề phụ là may công nghiệp. Toàn xã hiện có 4 xưởng may lớn và gần 30 xưởng nhỏ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tập trung ở các thôn: Chợ Mơ, Mai Trai, Quang Ngọc, La Xuyên, Hậu Trạch. Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Chợ Mơ, năm 2020 đã mở một xưởng máy may công nghiệp. Đến nay, ông Dũng phát triển thành 3 khu nhà xưởng, trên tổng diện tích hơn 1.000m2, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho gần 100 lao động, với thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng Hoàng Văn Thành cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt gần 690 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và “cấy nghề” mới, nên đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt khoảng 77 triệu đồng/ người/năm. Năm 2024, xã Vạn Thắng phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%/năm; thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/ người/năm…